Có nhà, xe và bốn miếng đất để dành, tổng tài sản 12 tỷ đồng nhưng mâm cơm của gia đình tôi vẫn chỉ ba món: canh, rau, món mặn.

Có nhà, xe và bốn miếng đất để dành, tổng tài sản 12 tỷ đồng nhưng mâm cơm của gia đình tôi vẫn chỉ ba món: canh, rau, món mặn.

Cách đây hơn một tuần, trong lúc ăn cơm, chồng tôi bảo: "Thời kỳ khó khăn, nhà mình nên ăn uống tiết kiệm. Ngoài kia hàng trăm ngàn công nhân đang thất nghiệp....". Tôi nhìn mâm cơm, nhớ lại năm 1998, khi chúng tôi kết hôn, lương hai người cộng lại chưa được 650.000 đồng. Sống trong căn phòng tập thể lụp xụp, ăn nước mưa, tắm giặt nước ao, đun nấu bằng củi và trấu. Khi trời mưa phòng dột tứ phía. Bữa cơm thường xuyên chỉ có hai món: món mặn và canh rau.

Bây giờ, sau 23 năm, với tổng tài sản 12 tỷ đồng, bữa cơm của chúng tôi khá hơn nhưng chỉ thêm một món nữa (thường là rau xào thập cẩm), chỉ cuối tuần mới làm bữa tươi cải thiện. Ấy thế mà cả nhà vẫn khỏe mạnh, thậm chí nhiều lúc còn phải kiềm chế ăn uống lại để không bị tăng cân.

Gia đình nội ngoại chúng tôi đều là công nhân viên chức nghèo. Chồng tôi bảo phải tiết kiệm để mua đất, làm nhà. Mục tiêu của chúng tôi là khi con học lên lớp 6 phải có nhà riêng để ở. Thế là hai vợ chồng nai lưng ra làm. Cứ có việc gì (chân chính) đem lại thu nhập, chúng tôi đều nhận làm. Chúng tôi không ngại nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ.

Tôi xin dạy thuê ở trường ngoài, rồi dạy nghề thêu, phụ việc quán tạp hóa dịp Tết, giúp chị họ bán hoa tươi ngày lễ, phụ việc nhà hàng của chị dâu lúc đông khách, vào mùa cưới... Chẳng có việc gì khiến tôi ngại cả. Có những việc không nhận tiền công thì người ta lại cho quà đem về cho con. Chồng tôi sống khoa học, điều độ, chịu khó học hỏi, chăm chỉ kiếm tiền, lại rất tiết kiệm. Anh không thích rượu chè, không thuốc lá, không chơi bời bù khú bạn bè, chẳng gái gú...

Vậy mà phải tới năm con học học lớp 9, chúng tôi mới có nhà riêng. Những tháng ngày gian khó không bao giờ quên đó là nền tảng cho chúng tôi có được cuộc sống ổn định sau này. Lúc khó khăn ấy, vợ chồng lại quấn quýt, yêu thương nhau, cùng nhau nấu cơm, tắm cho con, giặt giũ... Ấy là hạnh phúc.

>> Cuộc sống nghỉ hưu tuổi 30 của tôi

Tôi có người anh rể làm nghề buôn xe máy cũ từ đầu những năm 90. Năm 1995, anh đã có nhà riêng ở Sài Gòn. Tính anh chỉ thích kinh doanh, thích làm ông chủ. Đến giờ, sau hơn 30 năm, anh vẫn đang gánh trên vai rất nhiều khoản nợ, vợ chồng lục đục, con cái thất học. Nguyên nhân sâu xa là vì tính anh rất thoáng, thích ăn nhậu, nên hay mời bạn bè, họ hàng đến nhà ăn uống.

Anh khởi nghiệp 3-4 lần đều thất bại vì không tính toán, không có kế hoạch. Lúc có tiền, anh lại không biết chắt chiu, ăn tiêu vô độ. Lẽ ra vốn ít thì chỉ nên kinh doanh nho nhỏ thôi. Đằng này, anh muốn làm ăn lớn nên càng vay nợ nhiều. Cuối cùng, nhà đất cũng phải bán đi mà anh vẫn chưa trả hết nợ. Anh cực đến mức có lúc phải đi vay vài triệu đồng để tiêu vặt, nhưng lắm khi cũng không dễ mà vay được.

Trừ những người tài giỏi kiếm tiền tỷ, thậm chí mấy chục, trăm, nghìn tỷ mỗi năm, đa số chúng ta đều có năng lực bình thường. Tôi nhìn quanh mình, thấy nhiều người khá lên đều nhờ chăm chỉ và tiết kiệm. Cô giáo dạy Công nghệ thì mở hiệu photocopy; thầy giáo Tin học có thêm nghề sửa máy tính, dạy lập trình; thầy Thể dục tranh thủ dạy võ, bơi, mở phòng gym; một số cô giáo lại bán quần áo, mỹ phẩm, đặc sản vùng miền, hải sản, nước mắm; số khác khéo tay hơn lại đan lát, sửa quần áo, làm sữa chua, bánh bao, thạch, chè... để bán tăng thu nhập.

Một bộ phận có vốn, năng động hơn thì kinh doanh bất động sản, môi giới nhà đất, tư vấn bảo hiểm, mở gara ôtô... Một số giáo viên có uy tín cũng bỏ bớt dạy thêm để chuyển sang kinh doanh. Đây cũng là thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục: giáo viên không thể sống bằng lương. Thầy cô phải tự bươn chải để tăng thu nhập thì khó mà toàn tâm toàn ý với nghề.

Trông xa hơn, nhìn sang các bạn thuộc ngành nghề khác, tôi thấy tình trạng cũng tương tự. Có người tranh thủ làm phụ xe, shipper, mở quán cà phê, quán ăn vặt, trung tâm ngoại ngữ, sửa chữa đồ điện, sửa chữa điện thoại... Cô hàng xóm nhà tôi làm kế toán cho ba công ty với tổng thu nhập 25 triệu đồng; cô y tá lại tranh thủ làm ngoài giờ với công việc tắm cho trẻ sơ sinh... Ai cũng phải làm nhiều việc khác nhau để sống.

>> 21 năm sắm đủ nhà đất, ôtô

Kiếm được tiền rồi lại phải chi tiêu có kế hoạch và biết đầu tư. Nhưng nhiều người thu nhập thấp vẫn mua điện thoại iPhone đời mới, mua xe tay ga trả góp, đi vay để tiêu dùng... Cứ ăn trước trả sau như thế thì bao giờ mới khá được? Người Việt chúng ta đôi khi rất hoang phí. Cứ "bóc ngắn cắn dài" thì sao mà có "của ăn của để"?

Bản thân tôi đã cố tiết kiệm là vậy nhưng vẫn thấy mình lãng phí hơn người phương Tây. Một cặp vợ chồng người Australia đến nhà tôi chơi, họ vặn vòi nước rửa tay rất nhỏ. Thấy nhà tôi góc nào cũng sáng choang, họ nói "người Việt dùng nhiều điện quá". Người Đức bao giờ cũng có bể chứa nước mưa để tưới cây. Trong khi đó, mâm cỗ của người Việt ta cứ đầy ắp, ăn xong thừa thãi, ăn dở hoặc bị thiu lại đổ đi, mà dùng lại thì không còn ngon nữa.

Nhiều cô cậu học trò (bậc THPT) của tôi, tuy là con nhà lao động, nhưng nhuộm tóc, sơn móng tay, sở hữu dăm bảy thỏi son, dùng điện thoại dăm bảy triệu, mua giày Hàn Quốc vài triệu... Lối sống tiêu thụ và hưởng thụ dường như đang phổ biến trong giới trẻ.

Chắt chiu được 70 triệu đồng, chúng tôi mua suất đất đầu tiên vào năm 2004. Rồi tiếp tục "cày" và tiết kiệm tiền, mua được một lúc bốn suất đất liền kề ở ngoại ô thành phố. Sau đó chúng tôi lại tiết kiệm tiền để làm nhà, mua xe, tích trữ phòng khi ốm đau, nuôi con ăn học, hỗ trợ con khi chúng cần giúp đỡ... Có người nói rằng "ai cũng khá lên vì đất thì nước ta khó mà giàu được". Nhưng xin hỏi, nếu có tiền nhàn rỗi, bạn sẽ làm gì?

Tôi cần mẫn nhặt nhạnh gom góp mua từng chỉ vàng về cất. Đủ tiền mua đất thì bán vàng để mua. Người không có đầu óc kinh doanh thì nào dám chơi chứng khoán hay khởi nghiệp. Những việc "quốc gia đại sự" xin để dành cho các bác ở tầm vĩ mô hoạch định chiến lược cùng các anh "có chí, có gan" thực hiện. Bản thân công nhân viên chức, gắng chèo lái con thuyền gia đình bằng những cách hợp pháp cũng cực thân mới có thêm tiền rau mắm.

Đại dịch thế này, nhiều gia đình khó khăn, nhiều doanh nghiệp điêu đứng, phá sản. Tôi mạnh dạn chia sẻ đôi điều về cuộc sống của mình, mong rằng sẽ có thể tiếp sức phần nào được cho ai đó, giúp họ có thêm quyết tâm để vượt khó vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi vượt qua rồi, các bạn sẽ thấy cuộc sinh tồn này dễ mà khó, khó mà lại dễ. Chúc các bạn thành công!

Quỳnh Nga

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.


Bình luận