Khi ca nCoV tăng vọt khắp các bang, làm đảo lộn kế hoạch tái mở cửa, nước Mỹ dần mất kiên nhẫn với những người trì hoãn tiêm chủng.
"Virus đang ở đây và tàn sát mọi người, trong khi chúng ta có một biện pháp đã được chứng minh hiệu quả để ngăn chặn chúng mà lại không thực hiện. Thật đáng phẫn nộ", Jim Taylor, công chức đã nghỉ hưu tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana của Mỹ, bày tỏ. Chưa đến một nửa số người trưởng thành tại bang này được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ.
"Những người chưa tiêm chủng phải chịu trách nhiệm. Chính họ đang khiến chúng ta thất vọng", Thống đốc bang Alabama Kay Ivey phát biểu trước báo giới tuần trước.
Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 của Mỹ đang có chiều hướng chững lại và đi xuống sau thời gian đầu được đẩy mạnh. Theo dữ liệu của NYTimes, 57% người Mỹ từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đầy đủ, với trung bình 537.000 liều vaccine đang được tiêm mỗi ngày, giảm 84% so với mức đỉnh 3,38 triệu liều/ngày hồi đầu tháng 4.
Hệ quả của việc tiêm chủng đình trệ và nhiều lệnh hạn chế được dỡ bỏ là số ca nhiễm nCoV gia tăng. Tính đến ngày 25/7, Mỹ ghi nhận trung bình 52.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng 170% so với hai tuần trước đó. Số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 cũng đang tăng, dù không nhanh bằng.
Nhiều địa phương như thành phố San Francisco, bang California hay Austin ở Texas khuyến cáo những người đã tiêm chủng đeo khẩu trang trở lại trong không gian công cộng khép kín, một số nơi thậm chí bắt buộc như hạt Los Angeles. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 27/7 cũng ra khuyến nghị tương tự đối với các địa phương có mức độ lây nhiễm cao và nghiêm trọng, với lý do biến chủng Delta đang lây lan mạnh mẽ.
Đối với những người Mỹ đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cách đây nhiều tháng, tương lai bắt đầu trở nên ảm đạm. Nỗi thất vọng khiến ngay cả thành viên trong các gia đình cũng bắt đầu xích mích nhau.
Josh Perldeiner, người đàn ông 36 tuổi sống tại bang Connecticut, được tiêm đầy đủ từ giữa tháng 5. Tuy nhiên, một người họ hàng thân thiết thường xuyên ghé thăm từ chối tiêm, dù Perldeiner và những thành viên khác trong gia đình đã thúc giục.
Người họ hàng này gần đây nhiễm nCoV sau khi đến bang Florida, nơi bệnh nhân Covid-19 đang lấp đầy các bệnh viện, khiến Perldeiner lo lắng con trai anh, cậu bé 2 tuổi quá nhỏ để tiêm vaccine, có nguy cơ bị phơi nhiễm.
"Ngoài đặt ra mối nguy hiểm cho người khác, những người từ chối vaccine còn gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và kéo dài đại dịch. Tôi cảm giác chúng ta đang rơi vào tình cảnh như năm ngoái, khi mọi người không còn quan tâm đã có thêm bao nhiêu người chết", Perldeiner cho hay.
Nỗi tức giận ngày càng tăng của nhiều người dẫn đến sự ủng hộ những biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tiêm chủng. Các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức đang kêu gọi bắt buộc tiêm vaccine tại địa phương, trường học và nơi làm việc.
"Tôi ngày một phẫn nộ. Vaccine là ánh sáng cuối đường hầm mà một số người vẫn chọn cách từ chối nó. Họ đang khiến tương lai của gia đình tôi và những người khác trở nên đen tối hơn", Doug Robertson, giáo viên 39 tuổi sống tại ngoại ô Portland, bang Oregon, cho biết. Anh có ba con chưa đủ tuổi tiêm vaccine, bao gồm một bé sơ sinh sức khỏe yếu.
Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm 26/7 yêu cầu tất cả người lao động trong thành phố tiêm vaccine Covid-19 khi các trường học tái mở cửa vào giữa tháng 9, nếu không muốn phải xét nghiệm hàng tuần.
Giới chức bang California cũng có hành động tương tự, đồng thời bắt buộc tất cả nhân viên y tế và nhân viên trong chính quyền tiêm chủng. Gần 60 tổ chức y tế lớn, bao gồm Hiệp hội Y khoa Mỹ và Hiệp hội Y tá Mỹ, cũng kêu gọi tiêm chủng bắt buộc cho tất cả nhân viên trong ngành.
Ngay cả khi đã được tiêm vaccine đầy đủ, Aimee McLean, nhân viên Bệnh viện Đại học Utah ở thành phố Salt Lake, vẫn lo lắng về nguy cơ nhiễm virus từ bệnh nhân rồi vô tình truyền sang bố cô, một người mắc bệnh phổi mạn tính nghiêm trọng. Chưa đến một nửa dân số bang Utah được tiêm chủng đầy đủ.
Nhiều học sinh, sinh viên tại Mỹ dự kiến trở lại lớp học ngay từ đầu tháng sau, khiến các phụ huynh lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch trong trường học, khi trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa được phép tiêm chủng. Giới chuyên gia khuyên học sinh đeo khẩu trang trong lớp học, hay các trường đại học có thể yêu cầu sinh viên và nhân viên tiêm chủng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn từ chối tiêm vaccine, khiến không khí thêm căng thẳng.
"Nếu chúng tôi tôn trọng quyền và sự tự do của những người chưa tiêm chủng, thì quyền và sự tự do của những người đã tiêm sẽ ra sao?", Elif Akcali, giảng viên Đại học Florida ở thành phố Gainesville, đặt câu hỏi. Trường này không yêu cầu sinh viên tiêm chủng, nên với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở bang Florida, Akcali lo rằng mình sẽ nhiễm virus.
Một số người cho rằng chính phủ liên bang nên bắt đầu sử dụng "cây gậy" để thúc đẩy tiêm chủng, thay vì "củ cà rốt" như xổ số vaccine. Carol Meyer, cư dân hạt Ulster ở New York, đề xuất không chuyển tiền cứu trợ từ gói kích cầu cho những người từ chối tiêm vaccine Covid-19, bởi họ đang không làm tròn nghĩa vụ với xã hội.
Trong khi đó, Bill Alstrom, người đàn ông 74 tuổi sống tại Acton, bang Massachusetts, không ủng hộ các biện pháp can thiệp trực tiếp đến từng gia đình để thúc đẩy tiêm chủng. Thay vào đó, ông đề xuất chính phủ không cấp ngân sách cho những bang không đạt mục tiêu tiêm chủng.
Dù thường được coi là tâm lý bảo thủ đơn thuần, sự ngần ngại vaccine tại Mỹ còn mang tính chính trị và văn hóa vì nhiều lý do, nên để thay đổi suy nghĩ cần tới một quá trình lâu dài.
Shareese Harris, nhân viên một nhà thờ tại New York, lo lắng vaccine có thể kèm theo tác dụng phụ lâu dài và được đưa vào sử dụng vội vã. "Tôi không nên bị phán xét hoặc ép buộc vì quyết định chưa tiêm. Xã hội chỉ cần phải đợi chúng tôi", người phụ nữ 26 tuổi cho hay.
Giới chuyên gia cảnh báo sự tẩy chay và các biện pháp trừng phạt đối với những người chưa tiêm chủng có thể phản tác dụng, dập tắt nỗ lực đối thoại và tiếp cận, như việc một số quan chức ở hạt Los Angeles từ chối thực thi yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang.
"Bất cứ điều gì làm giảm cơ hội đối thoại và thuyết phục chân thành đều không tốt. Chúng ta đều tiếp cận những luồng thông tin tách biệt và đang nằm trong buồng vang thông tin của riêng mình", Stephen Thomas, giáo sư về quản lý và chính sách y tế tại Trường Y tế Cộng đồng Đại học Maryland, nhận định.
Nỗ lực thuyết phục nhẹ nhàng và bền bỉ đã thúc đẩy Dorrett Denton, người phụ nữ 62 tuổi sống tại New York, đi tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 2. Cấp trên của Denton từng nhiều lần khuyên bà đi tiêm, nhưng cuối cùng bác sĩ của bà là người thuyết phục thành công.
"Bác sĩ nhắc lại rằng bà ấy đã nhiều lần phẫu thuật cho tôi kể từ năm 1999, và hỏi tôi có tin tưởng trao mạng sống cho bà ấy hay không. Tôi đáp là có", Denton kể lại.
"Rồi bác sĩ nói hãy tiếp tục tin tưởng bà ấy lần này", Denton cho hay.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)