Trước thông tin TP.HCM tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về, nhiều chủ quán ăn 'tâm sự' dù đã lường trước được việc này nhưng vẫn thấy buồn. Nhiều nơi tranh thủ đóng cửa, mong 15 ngày trôi...

“Bán nốt rồi dọn hàng"

Ngay sau khi có thông báo về việc tạm dừng hoạt động các dịch vụ ăn uống mang về, PV Thanh Niên đã ghi nhận tình hình tại các hàng quán ở TP.HCM. Khoảng 16 giờ ngày 8.7, “con đường ẩm thực” Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh) xôn xao hơn mọi ngày. Tuy nhiên, không phải là cảnh tấp nập mua bán mà thay vào đó là cảnh thu dọn đồ đạc của nhiều người bán hàng. Nhiều chủ quán tỏ ra rầu rĩ trước thông báo “đóng cửa” để phòng dịch.

 Thương nhất nhân viên - ảnh 1

Chủ quán mong bán hết số chè, đậu hũ đã nấu hôm nay

Ảnh: Thanh Khương

Chia sẻ với phóng viên, một chủ quán chè, tàu hũ trên tuyến đường này cho hay đã nghe thông tin về việc giãn cách xã hội toàn thành phố từ tối qua. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, bà chỉ bán mang đi. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là khách đến mua mang về, còn shipper chỉ tính trên đầu ngón tay.

VIDEO Chủ quán ăn Sài Gòn rầu rĩ trước giờ cấm bán: 'Sườn mới nướng, nước lèo vừa đun'

 Thương nhất nhân viên - ảnh 2

Thấy các hàng quán xung quanh dọn dẹp nên chị Hiến cũng thu dọn sớm

Ảnh: Thanh Khương

 Thương nhất nhân viên - ảnh 3

Chị Hiến (Q.Bình Thạnh) đang chậm rãi lau dọn xe nước mía, rửa ráy và xếp toàn bộ ly cốc. “Nghe nói mai không được bán nữa, thấy bà con xung quanh thu dọn đồ đạc nên tôi dọn dẹp sớm luôn vì cũng chẳng có khách. Dạo này khách lai rai, nhưng có lẽ vẫn đỡ hơn những ngày sắp tới”, chị thở dài rồi tiếp tục công việc của mình

Ảnh: Thanh Khương

“Tôi bán cho khách quen là chính, họ chủ yếu tới đây mua, còn shipper thì thỉnh thoảng thôi chứ nói thật là rất ít. Đọc thông báo giãn cách toàn thành phố, người dân chỉ được ra ngoài để mua thực phẩm, thuốc men... chẳng biết xe chè của tôi thế nào. Dịch “đói” lắm rồi nhưng mà kệ đi, tới đâu hay tới đó, bán nốt rồi dọn hàng chứ hơi đâu mà lo nghĩ nhiều cho nhức đầu”, bà nói.

Cách quán chè một đoạn, chị Kim Loan (31 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) thuê mặt bằng để bán trà chanh trên đoạn đường này cho biết được chủ thông báo chỉ cho bán hết hôm nay, mai đóng cửa nghỉ. “Tôi chỉ bán cho khách đi đường thôi, không có shipper gì hết. Bình thường 5 giờ chiều là nghỉ, giờ cũng chuẩn bị dọn dẹp là vừa, không biết những ngày tới thế nào, mong cho dịch được kiểm soát sau đợt giãn cách này để mọi người sớm quay lại với cuộc sống bình thường”, chị nói.

Ngày 8.7: TP.HCM hứng “kỷ lục” chưa từng có với 915 ca Covid-19 trước giờ giãn cách xã hội

Đã lường trước nhưng vẫn buồn

Trong khi đó, mới hơn 15 giờ, 6 nhân viên tại quán ăn Hanuri trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) đã hoàn tất những bước cuối cùng để dọn dẹp, chuẩn bị đóng cửa. Anh Lê Nguyễn Minh Quang (quản lý quán) cho biết những ngày qua, khi nghe thông tin về việc giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16, quán đã hạn chế việc nhập nguyên liệu mới. Đến hôm nay khi có thông tin dừng dịch vụ bán mang về, quán tuân thủ và quyết định ngừng kinh doanh khi cho đến khi có thông báo mới của chính quyền.

 Thương nhất nhân viên - ảnh 4

Quán ăn Hanuri (Q.3) ngừng bán từ chiều 8.7

Ảnh: Cao An Biên

“Dù buồn khi những ngày qua chuỗi cửa hàng của chúng tôi đã thích nghi với việc bán mang về nhưng cuối cùng thì vẫn phải đóng cửa. Từ hồi trưa là chúng tôi đã dừng bán, dọn dẹp cho tới giờ. Thương nhất là các nhân viên ở đây, đa phần đều là những bạn trẻ ở dưới quê lên làm, giờ mất việc không biết tính sao”, anh Quang cho hay.

 Thương nhất nhân viên - ảnh 5

Nhân viên quán tất bật dọn dẹp chuẩn bị đóng cửa

Ảnh: Cao An Biên

Tuy nhiên theo quản lý này, phía quán ăn Hanuri cũng có những chính sách để hỗ trợ nhân viên trong thời điểm này để mọi người có thể trụ lại được qua mùa dịch. Đại diện quán nói sẽ tuân thủ tốt các quy định của chính quyền để có thể chiến thắng được lần dịch này.

 Thương nhất nhân viên - ảnh 6

Tất bật dọn dẹp ở khu vực bếp cùng đồng nghiệp, chị Huỳnh Thị Tuyết Phương (30 tuổi, ngụ Q.4, nhân viên quán) cho biết từ những ngày dịch bùng phát, quán phải bán mang về số ngày làm của mình đã giảm hẳn, từ đó thu nhập cũng giảm theo. Nay quán phải đóng cửa trong một thời gian khiến chị lo lắng vì không biết làm gì trong những ngày tới. Nhờ có sự hỗ trợ của quán ăn, chị Phương nói mình cũng đỡ lo lắng một phần nào. Tuy nhiên chị không biết mình khi nào mới có thể làm trở lại trong khi còn rất nhiều chi phí phải lo

Ảnh: Cao An Biên

Dù vậy vẫn có rất nhiều hàng quán vẫn cố gắng bán đến hết ngày “được từng nào hay từng đó”. Quán cơm của bà Phan Thị Lan Long (45 tuổi) trên đường Nơ Trang Long (P.13, Q.Bình Thạnh) chiều 8.7 vẫn tiếp tục bán những phần ăn cuối cùng, lai rai khách ra vào quán mua đồ. Từ chiều, lúc đọc báo thấy thông tin các quán ăn không được bán mang về khiến bà có chút lo lắng, tuy nhiên bà Long đã lường trước được việc này.

 Thương nhất nhân viên - ảnh 7

Chiều 8.7, nhân viên quán cơm bà Phan Thị Lan Long (45 tuổi) vẫn bán cho khách

Ảnh: Cao An Biên

Chủ quán dự tính: “Những ngày qua dịch phức tạp, tôi cũng nghĩ là sẽ phải đến nước này. Nhưng cũng thấy buồn chứ. Tôi dự định từ mai sẽ dừng bán, nếu có nấu thì cũng chỉ nấu trong nhà cho mấy người anh em quen biết thôi”.

Về vấn đề nguyên liệu, bà không quá lo lắng vì bán ngày nào thì chị mua cho ngày đó. Tuy nhiên, nếu phải nghỉ bán thì chị phải cho nhân viên trong quán nghỉ việc. Bà nói những ngày qua, giá nguyên liệu tăng trong khi giá cơm bà bán giữ nguyên nên có chút khó khăn. “15 năm bán, chưa bao giờ gặp phải cảnh như vậy. Mong cho dịch bệnh sớm qua chứ trầy trật như vầy ai cũng khổ”, bà Long tâm sự.

Bún, xôi, súp cua... cũng buồn thiu

Bên cạnh hàng quán bán đồ ăn vặt và cơm, những hàng quán vốn được nhiều người ưa thích như bún, phở, xôi, súp cua,... cũng ngồi đợi khách, mong muốn bán hết hàng trước thời gian phải đóng cửa.

 Thương nhất nhân viên - ảnh 8

Bà Tuyết Anh gắng bán hết trước 0 giờ ngày 9.7

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Mới vừa dọn hàng ra bán súp cua thì được thông báo phải nghỉ bán từ ngày mai, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh (50 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) chủ một quán súp cua lề đường không ngơi tay bán hàng cho khách. Bà tâm sự sẽ chấp hành theo quy định để phòng dịch nhưng không khỏi lo lắng vì trước đó không lâu chồng bà thất nghiệp ở nhà, một mình bà buôn bán để nuôi gia đình, trong đó có 3 người con còn đang đi học.

 Thương nhất nhân viên - ảnh 9

Dù lường trước được việc phải nghỉ bán, nhưng bà Long vẫn thấy buồn

Ảnh: Cao An Biên

Tuy ngừng buôn bán nhưng bà cho biết vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng với giá 5 triệu đồng/tháng. Để kiếm thêm ít tiền, bà Anh bán cho đến khi hết hàng mới về và cố gắng bán hết trước 0 giờ ngày 9.7.

Luôn đông đúc shipper các hãng đồ ăn đến xếp hàng để mua xôi, nhân viên quán xôi trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) là anh Bùi Hữu Đức lau dọn bàn ghế chuẩn bị đóng cửa quán. Anh chia sẻ từ khi quán chuyển qua bán mang về thì lượng khách đặt đồ ăn qua mạng tại quán khá nhiều đủ để quán duy trì hoạt động.

“Riêng mình thì tạm thời thất nghiệp ở nhà trong 15 ngày tới để xem tình hình tiếp như thế nào, cũng buồn chứ nhưng giờ đồng lòng chống dịch Covid-19 là quan trọng nhất”, anh bộc bạch.


Bình luận