Giám đốc bóng đá hay giám đốc thể thao là vị trí ngày càng được coi trọng trong bóng đá hiện đại. Thế nhưng, sự phức tạp trong công việc của họ vẫn là một câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết.
Ảnh: The Athletic
QUÁ TRÌNH ĐI TÌM SỰ CÔNG NHẬN
Ảnh: The Athletic |
Damien Comolli vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên ông được bổ nhiệm chức Giám đốc thể thao ở Tottenham Hotspur năm 2005. “Mọi thứ chẳng mấy sáng sủa”, Comolli chia sẻ. “Câu hỏi đầu tiên mà tôi nhận được là liệu một giám đốc thể thao sẽ có tương lai lâu dài ở bóng đá Anh hay không?”
Comolli đáp lại rằng trong vòng 10 năm kể từ thời điểm đó, mọi đội bóng ở Premier League đều sẽ có Giám đốc thể thao hoặc Giám đốc kỹ thuật. Đó là một dự đoán chính xác. Theo lời chuyên gia người Pháp, ngay cả đến các đội bóng ở League Two (giải đấu hạng ba của Anh) cũng có giám đốc thể thao. Những dấu hỏi giờ đây không còn nhắm đến vai trò mà là sự hiệu quả của chức vụ này. Hơn nữa, người ta vẫn lấn cấn về việc liệu các giám đốc thể thao ở Anh có thực sự được trao toàn quyền hay họ vẫn bị giới hạn bởi ông chủ đội bóng?
Một nguồn tin uy tín ở Anh đã liệt kê ra những vị giám đốc thể thao tiêu biểu. Đó là Dan Ashworth (Brighton), Stuart Webber (Norwich), Michael Edwards (Liverpool), Jon Rudkin (Leicester), Txiki Begiristain (Manchester City) và Marina Granovskaia (Chelsea).
“Chúng ta đã vượt qua được sự nghi ngờ ban đầu”, người này cho biết. “10 năm trước, chúng ta từng thấy Harry Redknapp khó chịu như thế nào khi có ai ra lệnh cho ông ấy phải làm gì. Bây giờ, sự quan trọng của giám đốc thể thao đã được rộng rãi thừa nhận. Tiếp theo, cần phải làm rõ trách nhiệm của vị trí này. Mọi người đều nghĩ giám đốc thể thao là liên quan tới chiêu mộ cầu thủ, phát triển học viện, đào tạo trẻ,... Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa nhìn nhận giám đốc thể thao bằng vai trò cơ bản nhất, đó là chuyên gia bóng đá.
Các ông chủ nên bổ nhiệm một giám đốc thể thao và trao quyền điều hành cho họ, lắng nghe tư vấn của họ trước khi đưa ra quyết định như mua cầu thủ nào, mua bao nhiêu tiền, chiến lược phát triển học viện ra sao, ký tiếp hợp đồng với HLV hiện tại hay tìm người khác thay thế,…”, nguồn tin khẳng định.
Damien Comolli, cựu Giám đốc Thể thao của Tottenham và Liverpool. Ảnh: Getty Images |
Với kinh nghiệm làm việc ở nhiều nền bóng đá như Pháp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, Damien Comolli lại có góc nhìn khác. Ông nói: “Mọi chuyện không đơn giản theo kiểu giám đốc thể thao là chuyên gia còn ông chủ là người chi tiền. Tôi không thể nói với ông chủ của mình rằng: ‘Tôi chọn HLV trưởng, tôi muốn mua người này, muốn bán người kia, tôi đưa ra ý kiến còn ông phải nghe theo’. Đó là điều không bao giờ xảy ra”.
Dan Ashworth, người giữ chức giám đốc thể thao ở Brighton, là một hình mẫu tiêu biểu. Trước đây, khi còn làm việc ở FA, ông từng tổ chức một cuộc họp gồm 25 chuyên gia để cùng nhau tạo ra một tiêu chuẩn chính thức nhằm tuyển chọn cầu thủ cho ĐTQG.
Ông kể lại: “Trong số 25 người có mặt hôm đó, mỗi người lại có một chức vụ và những yêu cầu công việc riêng. Tôi có chứng chỉ HLV chuyên nghiệp, tôi hiểu công tác huấn luyện nhưng tôi không thể biết chính xác những gì Graham Potter (HLV trưởng của Brighton) phải trải qua vào mỗi cuối tuần. Chính vì thế, tôi cố gắng không can thiệp vào công việc của ông ấy. Tôi cũng không thể giỏi hơn John Morling trong việc quản lý học viện hay Adam Brett về y học thể thao. Là giám đốc kĩ thuật, tôi có nhiệm vụ tìm ra những con người ưu tú nhất cho từng vị trí, truyền đạt cho họ những giá trị cốt lõi và tầm nhìn của đội bóng rồi để họ tự hoạt động theo phương pháp riêng”.
GIÁM ĐỐC THỂ THAO VÀ NHIỆM VỤ TÌM KIẾM HLV TRƯỞNG MỚI
Dẫu vậy, không phải mọi giám đốc thể thao ở Anh đều được “tự do” như Dan Ashworth. Đơn cử như việc Marcel Brands, giám đốc bóng đá của Everton, không hề có tiếng nói trong việc bổ nhiệm Rafa Benitez. Chủ tịch Farhad Moshiri đưa ra quyết định và Kia Joorabchian là người hoàn tất quá trình đàm phán. Wolves là một ví dụ khác. Bất kỳ ai đảm nhiệm vai trò giám đốc thể thao của đội bóng này đều hiểu rằng mình sẽ bị ảnh hưởng bởi Jorge Mendes – nhân vật gạo cội trong giới đại diện cầu thủ và là người rất có tiếng nói ở đây. Xét cho cùng, bóng đá vẫn là trò chơi của quan điểm và quyền lực.
Tottenham, Nuno Espirito Santo và Crystal Palace lại là trường hợp phức tạp khác. 72 ngày sau khi sa thải Jose Mourinho, Spurs mới tìm được người thay thế. Sau khi bị từ chối bởi một loạt những HLV có tiếng, phải chờ tới khi bổ nhiệm Fabio Paratici vào ghế giám đốc bóng đá thì vấn đề HLV trưởng của Gà Trống mới được giải quyết.
Nuno đã đến với Tottenham dù chỉ là phương án dự phòng. Còn Crystal Palace, đội luôn coi Nuno là mục tiêu hàng đầu, lại không thể đưa ông về với sân Selhurst Park. Điều đó càng cho thấy, lựa chọn và chiêu mộ thành công mục tiêu lại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Dan Ashworth từng làm việc ở FA và hiện là Giám đốc Kỹ thuật của Brighton. Ảnh: Getty Images |
“Là một giám đốc thể thao, tôi luôn có sẵn một danh sách các phương án thay thế cho HLV trưởng hiện tại”, Damien Comolli cho hay. “Nhưng rồi tôi sẽ làm gì tiếp theo? Những người này có đang tự do hay không? Họ có muốn gia nhập CLB không? Đội bóng có đủ khả năng tài chính không? Hơn nữa, phải đến khi gặp trực tiếp tôi mới hiểu được rõ cá tính và các yêu cầu cụ thể của từng người. Các CLB hàng đầu giờ đây đều mong chờ vào những ‘siêu nhân’. Người đó phải là bậc thầy chiến thuật, sáng tạo trong phương pháp tập luyện, biết phát triển tài năng trẻ, khôn khéo với truyền thông, phải là nhà lãnh đạo, chuyên gia về khoa học và y tế thể thao, phải phù hợp với văn hóa của CLB. Những ‘siêu nhân’ như vậy không hề tồn tại”.
Comolli nói thêm: “Spurs chọn Nuno dù ông ấy chỉ là phương án thứ năm, sáu, hay thậm chí là thứ mười. Real Madrid quay lại với Carlo Ancelotti. Juventus cũng tin tưởng người cũ là Max Allegri. Bayern Munich chi 25 triệu euro cho Julian Nagelsmann – một HLV trẻ tài năng nhưng chưa có danh hiệu. Tất cả cho thấy rằng thị trường thực ra khá nhỏ và chỉ có vài cái tên là có thể đáp ứng tiêu chí của các CLB lớn”.
Dan Ashworth cũng có chung quan điểm: “Lên danh sách không đồng nghĩa với việc bạn sẽ có những thương vụ thành công. Một đội bóng sa thải HLV trưởng vào cuối mùa sẽ có khoảng 8 tuần để tìm sự thay thế nên họ cũng không cần quá vội vã. Đằng nào các cầu thủ cũng đang trong kỳ nghỉ còn các trận đấu cũng chưa diễn ra”.
GĐTT VÀ HLV TRƯỞNG: CÙNG DẤU HAY TRÁI DẤU?
Một trong những ưu điểm của các đội bóng sở hữu giám đốc thể thao là cấu trúc của họ được xây dựng trên nền tảng của những chuyên gia bóng đá thực thụ. Họ sẽ có cả những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn mà sử dụng cầu thủ trẻ là một ví dụ điển hình.
“Thật khó để một HLV trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ trừ khi ông ấy nhận được sự ủng hộ lớn từ ban lãnh đạo. Rất dễ để chỉ trích một HLV không tạo điều kiện cho những tài năng trẻ phát triển nhưng cần hỏi ngược lại rằng liệu đội bóng có trao cho HLV ấy một sự đảm bảo cụ thể nào đó về thành tích hay không. Cầu thủ trẻ có tiềm năng nhưng chưa chứng minh được nhiều ở những sân khấu lớn. Việc sử dụng họ chẳng khác nào một lần đánh cược của HLV. Để đưa một cầu thủ trẻ ra sân đòi hỏi sự can đảm của HLV cả thượng tầng CLB”, Dan Ashworth chia sẻ.
Sự khác biệt trong nội dung công việc đã vô tình tạo ra những hiểu lầm rằng giám đốc thể thao sẽ gây cản trở cho HLV trưởng. Thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Damien Comolli khẳng định sự kết hợp giữa hai vị trí này phần lớn sẽ mang lại lợi ích cho đội bóng. Nhiều ví dụ có thể nhắc tới như Steve Hitchen và Mauricio Pochettino (Tottenham), Michael Edwards và Jurgen Klopp (Liverpool) hay Txiki Begiristain và Pep Guardiola (Man City). Những xung đột là không thể tránh khỏi nhưng về tổng thể, sự kết hợp giữa giám đốc thể thao và HLV trưởng sẽ giúp một CLB có định hướng rõ ràng cho cả hiện tại và tương lai.
Giám đốc Thể thao Michael Edwards và HLV Jurgen Klopp làm việc ăn ý ở Liverpool. Ảnh: Getty Images |
“Lần duy nhất mà tôi gặp vấn đề là với Martin Jol”, Damien Comolli nhớ lại. “Lúc đó, chủ tịch Daniel Levy can thiệp vào mọi quyết định và Martin Jol cảm thấy ông ấy không được làm việc theo ý mình. Vì vậy, sự xuất hiện của tôi càng làm mọi chuyện trở nên rắc rối. Ngoài lần đó ra, tôi chưa bao giờ cảm thấy khó khăn với HLV trưởng dù là ở Anh, Pháp hay Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ cần CLB đưa ra bản yêu cầu công việc rõ ràng thì sẽ chẳng có vấn đề gì cả. Mỗi người sẽ tự biết phạm vi hoạt động của mình ở đâu, trách nhiệm của mình là gì và cần phải báo cáo với ai”.
Nếu phải chỉ ra một phạm vi công việc dễ gây ra bất đồng nhất giữa giám đốc thể thao và HLV trưởng thì đó chắc chắn là công tác chuyển nhượng. Điều này còn phụ thuộc vào những điều khoản hợp đồng mà các bên đã ký, nó tạo ra quyền hạn cho HLV trong việc mua bán cầu thủ. Brendan Rodgers thời còn ở Liverpool luôn khó chịu với cách vận hành của bộ phận chuyển nhượng và ông có đủ quyền lực để can thiệp. Ở Fulham, giám đốc thể thao Tony Khan lại có sức ảnh hưởng lớn hơn trong chuyển nhượng vì ông vừa là đồng sở hữu vừa là tổng giám đốc. Mọi người được tham gia ý kiến nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Tony Khan, con trai ông chủ kiêm chủ tịch Shahid Khan.
KHI NHỮNG XUNG ĐỘT CÓ THỂ ĐẾN TỪ MỌI PHÍA
Bên cạnh HLV trưởng, giám đốc thể thao còn phải tìm cách ứng xử hợp lý để thích nghi với những người đại diện. Trong bóng đá ngày nay, người đại diện đồng nghĩa với lợi ích của cầu thủ và cũng không quá khó hiểu khi quyền lực của họ ngày một lớn hơn. Dần dần, tiếng nói của những người đại diện không chỉ có trọng lượng đối với thân chủ họ mà còn cả với ông chủ của các CLB. Có người chấp nhận rằng đó là cách vận hành của bóng đá hiện đại, số khác lại một mực phản đối.
Andre Villas-Boas, cựu HLV của Chelsea và Tottenham, tiết lộ trong một bài phỏng vấn gần đây: “Điều cơ bản với mọi HLV là sự tự do. Chúng tôi muốn được tự mình lên kế hoạch chuẩn, tự mình sắp xếp đội hình ra sân mà không phải lo lắng tới những thứ vớ vẩn xung quanh. Nhưng ở Anh, có một vài người đại diện đang kiểm soát thị trường bằng quyền lực của mình. Họ chủ động gây ra những xung đột giữa cầu thủ, HLV và ban lãnh đạo ở một vài đội bóng vì những mục đích riêng”.
Fabio Paratici vừa trở thành Giám đốc Thể thao của Tottenham. Ảnh: Getty Images |
Damien Comolli thì cho rằng vấn đề không nằm ở giới đại diện cầu thủ mà nằm ở chính cấu trúc CLB: “Xung đột chỉ xảy ra khi ban lãnh đạo nhận thức sai về giá trị cốt lõi và văn hóa. Đừng đổ lỗi cho người đại diện. Những người đứng đầu cần phải nhìn lại và đặt câu hỏi tại sao họ lại lựa chọn cách làm như vậy.
Lời khuyên của tôi dành cho các đồng nghiệp là đừng tự cách ly bản thân. Nhìn lại thời gian làm giám đốc thể thao của mình, sai lầm lớn nhất mà tôi mắc phải đó là có những thời điểm tôi không thể lắng nghe và cũng không thể tư vấn cho ai. Đó là những ngày tháng điên rồ. Hãy chắc chắn rằng luôn có những người ở bên cạnh sẵn sàng lắng nghe bạn, sẵn sàng cho bạn lời khuyên. Và hãy dành thời gian nghỉ ngơi. Đã có lúc tôi chỉ nghỉ đúng 15 ngày trong suốt 3 năm. Tôi thực sự ngu ngốc khi làm việc nhiều đến vậy”.
Dù thế nào đi nữa, giám đốc thể thao vẫn là một công việc áp lực chẳng kém gì HLV. Họ có thể chấp nhận bản thân “hữu danh vô thực” để nhận khoảng nửa triệu bảng một năm mà không có tiếng nói hoặc sẵn sàng đương đầu và tìm cách hài hòa lợi ích giữa rất nhiều bên nhưng vẫn phải đảm bảo sự phát triển cho đội bóng. Nói một cách hình ảnh, giám đốc thể thao cũng như trục giữa của một chiếc bánh xe “bóng đá” chẳng bao giờ ngừng quay.
Theo The Athletic