30 năm “chơi hệ bánh mì” bỗng đổi sang cơm tấm
Sài Gòn về đêm đón cơn mưa cuối mùa rả rích, bụng đói cồn cào, tôi chợt nhớ tới hàng cơm Bà Già của bà Phùng Đào và chồng, ông Lương Bình Vũ (71 tuổi), nằm trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận). Nhớ không lầm, lần đầu tôi ghé đây ăn là chừng 2 năm về trước, trong một lần đi chơi về lúc 3 giờ sáng.
Ăn thấy cũng hợp vị, lại cách nhà không xa, ông bà chủ thì vui tánh, nên hễ mỗi lần đi chơi khuya về mà đói bụng là tôi lại ghé đây, ngót nghét cũng chừng ấy năm. Nói thiệt, thưởng thức một dĩa cơm tấm đêm Sài Gòn, công nhận là “số dzách”, no… tới sáng.
Hàng cơm của bà Đào bán về đêm |
cao an biên |
Thịt được ướp theo công thức riêng, ăn đậm đà |
cao an biên |
Quán ăn được khách đặt tên là cơm tấm Bà Già, nhưng người ta cũng hay gọi là quán cơm tấm “ông ròm bà ú”, cũng bởi ngoại hình đặc biệt của ông bà chủ. Cụ ông thì cao kều, gầy nhom, còn bà thì lại tròn người.
"Tôi có ăn gì đâu, còn bị bệnh đủ thứ, nhất là tiểu đường, vậy mà vẫn mập. Người ta thấy ngoại hình của 2 vợ chồng già đối lập cũng dễ thương. Tôi hay nói vui là vợ chồng tôi số 10. Ông số 1, còn tôi thì số 0"
Bà Đào
Bà cũng hay cười sảng khoái nói với tôi, giọng Bắc pha chút tiếng miền Nam: “Tôi có ăn gì đâu, còn bị bệnh đủ thứ, nhất là tiểu đường, vậy mà vẫn mập. Người ta thấy ngoại hình của 2 vợ chồng già đối lập cũng dễ thương. Tôi hay nói vui là vợ chồng tôi số 10. Ông số 1, còn tôi thì số 0”.
Bà Đào kể gia đình bà có truyền thống bán bánh mì thịt, vợ chồng bà bán ở TP.HCM cũng ngót nghét hơn 30 năm. Sau đó, năm 2013, bà quyết định đổi sang “chơi hệ cơm tấm”, như cách mà nhiều người Sài Gòn hay nói vui, bán chủ yếu buổi đêm để “khỏe trong người hơn”.
Vợ chồng bà Đào khiến khách thích thú vì tính cách vui vẻ và ngoại hình đối lập |
cao an biên |
Hồi đó, lúc manh nha ý định, vợ chồng bà vừa bán cơm tấm, vừa bán bánh mì, món nào cũng được khách khen. Nhưng một nghề chín còn hơn chín nghề, cuối cùng bà chia tay món bánh mì đã gắn bó với mình hơn nửa đời người để theo cơm tấm, và “mối tình này” chắc có lẽ sẽ kéo dài tới mãi về sau.
Quán ăn nhỏ, nằm kín đáo tại số 50 đường Huỳnh Văn Bánh, bên trong, vỏn vẹn vài cái bàn, bởi khách tới đây ăn chủ yếu mua mang về. Ông phụ bà rửa chén, làm mấy việc vòng ngoài, còn bà, thì tất bật nướng thịt, làm cơm cho khách.
Cơm tấm ở đây có giá từ 35.000 đồng - 50.000 đồng, tùy khách gọi |
cao an biên |
Trở đều miếng sườn bên bếp than hồng giữa đêm mưa, bà giới thiệu quán bán 2 loại cơm, cơm tấm sườn và gà, mỗi dĩa từ 35.000 đồng, cứ thế tăng dần lên tùy nhu cầu của khách. Trước kia, quán bán từ 6 giờ tới 3 - 4 giờ sáng hôm sau, nay sức khỏe ông bà yếu hơn, bán tới 1 giờ sáng là nghỉ.
Poll TNOBạn có biết tới quán cơm tấm "ông ròm bà ú" không?
“Cơm tấm Sài Gòn thì đâu cũng vậy, chỗ nào cũng ngon nếu nấu có tâm, chỗ tôi tất nhiên không phải là ngon nhất. Nhưng khách vẫn ghé ủng hộ, là bởi người ta cảm nhận được mình nấu bằng cái tâm của mình, nấu bằng cái tâm thì ắt nó sẽ ngon”, bà cười nói, khi được tôi hỏi về bí quyết.
Niềm vui tuổi xế chiều
Nhờ mấy chục năm bán bánh mì, bán cơm, vợ chồng già “số 10” này nuôi được 5 người con thành tài. Bà tự hào rằng, con mình có người là giảng viên đại học, có người là cử nhân, có người là chủ quán phở, quán cơm tấm và cũng có người kinh doanh khác.
Miếng sườn còn giữ được độ ẩm, ăn vừa miệng |
cao an biên |
Quán là điểm đến của nhiều khách thích ăn đêm. Quán hẹp, vỏn vẹn 2 - 3 cái bàn |
cao an biên |
“Ở tuổi này, ông bà lẽ ra có thể “lui về” để các con chăm sóc, nhưng vì sao vẫn bán cơm tới khuya. Ông bà không thấy cực sao?”, nghe tôi hỏi, ông cười hiền, rồi tâm sự rằng, con người dù ở độ tuổi nào cũng vậy, còn sức là còn lao động.
“Tôi bán cơm để có thêm tiền dành dụm tuổi già, lỡ mình có gì đó cũng không phải quá lệ thuộc vào các con. Với lại buôn bán mấy chục năm nay, quen rồi, không bán là nhớ khách chịu không được. Nhờ làm việc mà tôi thấy tuổi xế chiều của mình có ý nghĩa, cũng thấy khỏe mạnh hơn”
Ông Vũ
Hơn 22 giờ, anh Hoàng Hải (32 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) ghé quán cơm của bà Đào. Anh gọi một dĩa sườn rồi nhanh chóng ngồi vào bàn. Trong lúc chờ cơm được dọn ra, anh Hải tâm sự rằng mình là khách quen ở đây suốt nhiều năm nay, từ ngày chuyển đến sống trên đường này.
Dĩa cơm không cầu kỳ, nhưng được khách khen |
cao an biên |
“Cô chú bán cơm tối, có khi 12 giờ hơn mình tới mua vẫn có cơm. Ở đây cơm ngon, miếng sườn ướp gia vị đậm đà, mềm, có độ mềm nên ăn thấy thích. Khi nào thèm hoặc khuya đói bụng, nhất là mấy ngày lạnh lạnh như hôm nay mà ăn dĩa cơm tấm thì còn gì bằng”, anh Hải nói.
Nhiều lần thưởng thức cơm ở đây, cá nhân tôi chấm 8/10 cho hương vị. Nhưng chính sự thân thiện của chủ quán, và niềm say mê lao động của vợ chồng già, lại là điểm cộng để tôi đến đây ủng hộ khi có dịp.
Poll TNOBạn nghĩ sao về cơm tấm "ông ròm bà ú"?
Trong đêm mưa, mùi cơm sườn ở quán “ông ròm bà ú” cứ phảng phất, làm nên một mùi vị Sài Gòn về đêm, rất riêng trong cảm nhận của tôi…