Gọi là bánh cáy bởi màu sắc bánh nhìn giống trứng con cáy, có thuyết lại nói vì bánh thơm ngon nên được quan chức địa phương chọn làm vật phẩm dâng vua, vua ăn thấy vị bùi, ngọt quyện với vị cay của gừng nên tò mò hỏi tên thì viên quan dâng bánh nói rằng đó là bánh cay. Sau này, người dân đọc chệch là bánh cáy.
Bánh cáy |
Cù Hiền |
Vì làng Nguyễn Xá là nơi được truyền nghề đầu tiên nên bánh cáy ở đây ngon nức tiếng, đứng đầu các loại bánh trong vùng.
Ông Nguyễn Trọng Quý (60 tuổi, ở thôn Hồng Phong, xã Nguyên Xá, H.Đông Hưng, Thái Bình), một trong những người đang giữ “hồn” bánh cáy làng Nguyễn truyền thống nhiều năm nay, kể lại: Cụ tổ làng nghề bánh cáy là Bảo mẫu đại vương Nguyễn Thị Tần, con quan triều Nguyễn là cụ Phúc Đình Hầu, người trước kia phụng sự vua. Cụ Nguyễn Thị Tần tạo ra bánh cáy năm 1725. Tương truyền, sau khi ăn thấy lạ, ngon, độc đáo nên nhà vua ban chỉ hằng năm phải dâng loại bánh này lên vua… Để làm ra chiếc bánh cáy dẻo thơm là một quá trình công phu, phức tạp với các công đoạn kỳ công. Nguyên liệu làm loại bánh này được lấy hoàn toàn từ thiên nhiên như: quả gấc, quả hoặc lá dành dành, lạc, vừng, gừng, cà rốt và vỏ quýt.
Gạo nếp thơm (nếp quýt) có vị đặc trưng, thơm, dẻo hơn bất kỳ loại nếp nào trong vùng. Loại gạo này được trồng nhiều ở khu vực H.Tiền Hải (Thái Bình), H.Vĩnh Bảo (Hải Phòng), vùng nước nhiễm mặn nên cho ra loại gạo mang hương thơm ngào ngạt.
Khi nấu xôi phải dùng nước mưa sẽ giúp xôi dẻo hơn (như xôi vò). Trước khi nấu xôi, gạo nếp được chia làm 3 phần: hai phần nấu xôi, một phần rang thành bỏng gạo (nẻ).
Trong hai phần gạo nấu xôi, một phần gạo được trộn ruột gấc (màu đỏ) pha nước mưa để thành xôi đỏ. Phần gạo còn lại nấu với nước quả dành dành để cho ra màu vàng tươi.
Khi xôi chín, mang giã nhuyễn như giã bánh giầy sau đó sấy khô. Lạc, vừng rang chín, xát bỏ vỏ. Mỡ heo phải được luộc chín, thái thành khẩu tẩm với đường để khoảng 15 ngày, sau đó thái nhỏ như hạt lựu, xào đến khi mỡ trở nên trong suốt là được. Làm như vậy giúp bánh được ngon và thơm lâu.
Ngoài ra, cà rốt xào với nước đường, nước gừng và vỏ quýt tươi. Những phụ gia này cũng phải được làm cẩn thận để giữ được mùi vị đặc trưng.
Sau khi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, người làm bánh trộn đều tất cả với đường mía rồi đun trên chảo mỡ heo (hoặc dầu ăn), nguyên liệu được đổ vào khuôn gỗ nhồi nén thành bánh. Khuôn gỗ có lót vừng đã rang thơm ở xung quanh để khi lấy bánh ra có một lớp vừng hoa văn đẹp mắt bao phủ bên ngoài.
Trải qua bao thế hệ, đến nay quy trình làm bánh cáy vẫn giữ được các công đoạn truyền thống xưa, dân dã và an toàn. Bánh cáy thành phẩm ăn không chỉ để tận hưởng độ ngon, dẻo thơm, mà còn hàm chứa một ý nghĩa dinh dưỡng đặc biệt.
Các nguyên liệu bánh cáy được tuân theo “âm dương ngũ hành” nên một chiếc bánh cáy thành phẩm rất tốt cho sức khỏe, có giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, bánh cáy có ngũ sắc (đỏ, xanh, vàng, trắng, đen) và bát vị (đắng, cay, chua, mặn, ngọt, bùi, ngậy, béo) khiến chiếc bánh không chỉ đẹp mắt, cuốn hút mà hương vị còn rất khó quên.