Gắn bó với xe bột chiên hơn 40 năm, cụ bà U.90 được nhiều khách ủng hộ bởi món ăn ngon, rẻ. Tóc bạc phơ, lưng đã còng nhưng ngày ngày bà vẫn ra quán bán kiếm đồng ra...

Quán bột chiên lâu đời

Trời TP.HCM âm u giờ tan tầm. Trên đường Tuệ Tĩnh (P.12, Q.11) bên hông trường mầm non P.12 có một bà cụ bán bột chiên lâu đời. Gọi là quán nhưng thực ra chỉ kê chiếc bàn cũ đặt nguyên liệu, chiếc dù che nắng mưa và vài bộ bàn ghế nhỏ khách ngồi. Bà cụ tên là Trần A Chiếu, 82 tuổi, người Hoa. Khách thường gọi quán với cái tên thân thương "bột chiên bà cụ".

Bà Chiếu bán trước cổng trường mầm non P.12, Q.11 mấy chục năm nay

dương lan

Bà cụ với gương mặt in hằn vết thời gian, lưng đã còng, tóc bạc phơ. Hơn 40 năm qua, bà vẫn ngồi đó bán bột chiên, hủ tiếu, mì, bánh canh… Đôi lúc vắng khách, bà ngồi trầm tư nhìn dòng xe tấp nập qua lại.

Bà cụ dọn hàng từ 4 giờ chiều và bán đến 10 - 11 giờ đêm. Nhà bà cách đó không xa nên hằng ngày bà tự đẩy xe ra bán và dọn dẹp rồi đẩy về. Bà cụ có con cái nhưng ai cũng đang chật vật mưu sinh nên bà một mình tự lo, không muốn phiền đến con.

Bà bán bột chiên, hủ tiếu, mì, bánh canh...

dương lan

Thấy có khách gọi 1 phần bột chiên 2 trứng và 1 phần hủ tiếu 1 trứng, bà cụ gật đầu rồi cho nguyên liệu vào chảo. Vì đã có tuổi nên các thao tác của bà không được nhanh nhưng tuyệt nhiên không một khách nào phàn nàn, ai cũng thông cảm, vui vẻ đợi bà.

Bột chiên trên chảo nóng giòn, phát ra tiếng xì xèo. Khách có thể lựa chọn một trứng hoặc hai trứng tùy sở thích.

Lưng đã còng, tóc bạc phơ nhưng ngày nào bà cũng đi bán

dương lan

Bà cho biết, giá bột chiên 1 trứng giá 18.000 đồng/dĩa, 2 trứng là 23.000 đồng, hủ tiếu, bánh canh đồng giá 20.000 đồng/tô.

“Con cái đi làm hết trơn nên một mình tôi bán. Tôi bán từ thời chưa có đèn đường, lâu lắm rồi. Tôi bán nhiều món vì khách tới đây muốn ăn cái gì cũng có. Mỗi sáng khoảng 8 - 9 giờ sáng tôi tự đi chợ chuẩn bị nguyên liệu để buổi chiều ngồi bán”, bà nói. Bà thường còn nói chuyện với khách bằng tiếng Hoa.

Bà đi bán liên tục và chỉ nghỉ những lúc có công chuyện. Vì là quán vỉa hè nên chỉ có đủ chỗ cho khoảng chục khách ngồi lại ăn. Thấy vậy, nhiều người nhờ bà cụ bỏ hộp mang về. Đang bán dở, thấy hết trứng, bà cụ lại chậm rãi đi từng bước vào nhà lấy hộp khác.

Poll TNO
Nếu trên đường đi gặp bà cụ, bạn có sẵn sàng ghé lại ăn ủng hộ bà cụ không?

"Tôi thấy rất thương, khâm phục bà"

Tôi ít khi ăn bột chiên vì nghĩ món ăn này khá ngấy nhưng sau khi thử món này của bà cụ, tôi phải suy nghĩ lại. Bột chiên giòn, thơm và không thấm nhiều dầu, ăn vào buổi chiều muộn rất hợp.

Thương bà cụ một mình vất vả, hàng xóm xung quanh thường đến phụ bà mỗi khi rảnh rỗi. Nhiều người còn lầm tưởng họ là con cháu của bà cụ nhưng hỏi đến ai cũng cười và bảo giúp bà chút ít. Bởi thế, những lúc bà vào nhà lấy thêm nguyên liệu hay tiền lẻ để thối cho khách, hàng xóm trông quán giúp bà.

Bà Hoa (59 tuổi, chủ quán cơm đối diện) cho biết, bà biết đến bà cụ mấy chục năm nay. Bán nhiều nên bà Hoa biết giá của từng món, bưng tận bàn cho khách rồi dọn dẹp chỗ bán sạch sẽ.

Bánh canh giá 20.000 đồng/tô

dương lan

“Một mình bà cụ bán nhưng lúc nào thấy đông khách, bà làm không kịp tôi sẽ sang phụ. Bà cụ không bán thì ai nuôi, con cái cũng vất vả nên bà phải tự lực cánh sinh. Chồng tôi là người Hoa nên bà cụ nói gì tôi đều hiểu”, bà Hoa cho hay.

Bà tỉ mỉ chuẩn bị các món ăn

dương lan

Ông Nguyễn Văn Thành (42 tuổi, hàng xóm bà cụ) cho hay: “Bà cụ bán ở đây lâu lắm rồi, thấy bà bán không kịp tôi thường phụ giúp. Mưa gió, ngập nước bà cũng đẩy ra tự bán. Chiếc dù to bà tự mở ra nhưng mở được đoạn dưới còn đoạn phía trên phải nhờ người đẩy lên vì sức bà yếu, không làm nổi nữa. Bà có tuổi rồi nhưng ngày nào cũng đi bán tự kiếm sống như vậy tôi thấy rất thương, khâm phục bà”.

Bột chiên có màu bắt mắt

dương lan


Bình luận