Nẻo về miền Tây, xuôi đến cuối con sông Hậu là H.Trần Đề, Sóc Trăng, một huyện nhỏ bình yên ven biển nơi châu thổ. Nơi đây có một món ngon mà nhiều gia đình luôn “hăm hở” đãi...

Đó là món tôm ngâm mắm chua cay hay theo cách gọi vui của người địa phương là tôm “tê tái”.

H.Trần Đề nằm giáp biển, được sông Hậu và sông Mỹ Thanh uốn lượn bao bọc. Dù là huyện nông nghiệp, nhưng khi mà đất đai dần bị nhiễm mặn, xâm thực, thì con cá, con tôm từ sông và biển trở thành phương kế sinh nhai cho hầu hết bà con tại đây. Và con tôm chính là sản vật chủ lực kinh tế của nhiều hộ gia đình ở Trần Đề.

Có rất nhiều địa phương nuôi tôm ở miền Tây, nhưng con tôm tại H.Trần Đề “vang danh” về độ ngon ngọt của thịt và sự ổn định về sản lượng. Cũng tại đây, chúng ta sẽ mắt tròn mắt dẹt chứng kiến những con tôm sú tự nhiên có trọng lượng “khủng” 200 gr, dài hơn 14 cm…, tức 5 con tôm kiểu này có trọng lượng 1 kg.

Ở Trần Đề, tôm thu hoạch không đủ bán cho thương lái, nhưng không vì thế mà nơi đây không có những món ngon được chế biến từ con tôm xứ sở, nào là tôm khô, tôm chua, tôm mắm đu đủ, rồi tất nhiên không thể không kể tới món tôm ngâm mắm chua cay…

Sau khi dẫn tôi tham quan trại nuôi tôm của mình, chú Thạch Soa “lệnh” cho tôi phải thưởng thức món tôm “tê tái” tại gia. Nói là làm, chỉ một tay vợt, chú Soa có ngay một mớ tôm sú tươi rói, nhảy tanh tách trong lồng vợt. Chú bảo, để món này đúng điệu, thì không nên chọn loại tôm quá to, vì “phí” và phải chờ tôm chín lâu.

Chế biến món tôm “tê tái” không khó. Đầu tiên lấy chỉ lưng tôm, ngắt đầu, lột vỏ. Vì đầu tôm lâu chín trong mắm cay, nên đem đi luộc hoặc chiên trước. Vắt chanh lấy một chén nước cốt, tôm sau khi lột vỏ, rửa sạch thì ngâm vào chén nước chanh này.

Tiếp theo là công đoạn quan trọng nhất, làm mắm chua cay: Gừng gọt vỏ thái lát. Tỏi, ngò rí băm nhuyễn. Sả, hành tím xắt lát. Sau đó cho gừng, tỏi, sả, ớt cùng 3 muỗng cà phê đường vào cối giã nhuyễn hoặc cho vào máy xay cũng được. Tiếp đến, thêm nước mắm, nước ấm, ớt bột và nước cốt 3 trái chanh vào khuấy đều, cho thêm ngò rí băm nhuyễn vào. Khi nước mắm dậy mùi thơm dịu và hăng mùi cay thì vớt hết tôm đang ngâm nước cốt chanh ra, cho vào đĩa, rưới sốt này lên và chờ tầm 1 phút cho tôm chín hẳn và ngấm gia vị. Đến đây là giai đoạn tự do thưởng thức.

Ấn tượng đầu tiên là mùi thơm của sốt mắm. Khi những con tôm ngập trong sốt mắm này chín đều và ngả màu hồng nhạt thì thật khó cưỡng lại vẻ gọi mời của hương vị, chưa ăn đã cảm nhận được mùi nước sốt nồng lên, cay cay chua chua vô cùng kích thích. Tôm thấm nước sốt cay ăn ngon mê ly và mồ hôi cứ rịn trên trán sau mỗi lần gắp. “Tê tái” là thế. Vừa ăn vừa xuýt xoa.

Chú Thạch Soa nói rằng, hải sản nói chung ngon nhất khi hấp hoặc nướng, chứ nấu chín bình thường dễ mất vị, và món tôm ngâm mắm thực ra chính là một món hấp đặc sản kiểu Trần Đề.


Bình luận