Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Q.3, TP.HCM) có đủ loại đồ ăn, thức uống giá bình dân, món ăn vặt, món ăn no với 92 hộ kinh doanh . Vậy phố này bán những món gì, giá ra...

Những ngày này, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền nhộn nhịp xe qua lại, các hàng quán đã treo bảng hiệu đồng bộ, nhận bàn ghế đồng nhất để chuẩn bị cho buổi ra mắt vào 18 giờ ngày mai 21.12.

Đủ loại đồ ăn, thức uống

Theo ghi nhận, có 92 hộ kinh doanh đồ ăn, thức uống trên tuyến đường này. Những món đặc trưng dễ tìm thấy ở đường Nguyễn Thượng Hiền như bánh tráng trộn, tré trộn, trà sữa; ngoài ra có thêm những món ăn no như cơm gà, gà nướng, bún...

Trước thông tin nơi đây sắp ra mắt phố ẩm thực, điều người dân lo ngại nhất là chuyện tổ chức giao thông, lo rằng cấm xe vào tuyến sẽ ảnh hưởng đến việc bán hàng mang đi. Tuy nhiên, sau khi được nghe phương án phân luồng, người buôn bán đều đồng thuận vì vẫn có thể vừa bán mang đi, vừa phục vụ tại chỗ.

Đường Nguyễn Thượng Hiền chi chít bảng hiệu của các hàng quán
vũ phượng

Chị Nguyễn Thị Cử (37 tuổi, bán gà nướng) cho biết vừa nhận được 2 bộ bàn ghế của quận, bảng hiệu mới cũng có người đến tận nơi lắp. Với các chi phí về quản lý, camera và bàn ghế, quán của chị được thông báo đóng 500.000 đồng/tháng.

“Quán tôi càng về tối khách càng đông, từ trước đến nay 90% khách đặt qua app, chỉ có 10% khách ngoài. Mà bán qua app thì phải chạy khuyến mãi, thêm chiết khấu nên giờ có không gian để bán tại chỗ chắc lợi nhuận sẽ tốt hơn”, chủ quán nhận định.

Gà nướng 139.000 đồng/con trên đường Nguyễn Thượng Hiền

vũ phượng

Chân giò nướng, thịt heo nướng cũng đắt khách vào giờ ăn trưa, ăn tối

vũ phượng

Để chuẩn bị cho việc ra mắt phố ẩm thực, chị đã làm menu song ngữ Việt - Anh, sẵn sàng đón cả khách nước ngoài. Với giá bán 139.000 đồng/con gà nướng, chị cho rằng phố càng sầm uất, tấp nập thì cơ hội tăng doanh thu của hàng quán càng cao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (55 tuổi, bán nước giải khát) cũng vừa lắp xong tấm bảng hiệu bên hông nhà. Với bề ngang chừng 3m, bà Loan cho hay phía trước nhà có thể kê được 2 cái bàn nên đã đăng ký với địa phương. Bà nhận xét: “Cả con đường mà kê bàn ghế giống nhau, nhìn đồng bộ chắc sẽ đẹp mắt. Giờ cứ bán coi sao, tôi chỉ mong giống như bên đường Hồ Thị Kỷ là được rồi. Tôi mới đăng ký xong là được phường hỗ trợ làm giấy phép kinh doanh, chỉ mong đắt khách là đời sống cải thiện”.

Ngoài những món ăn chơi, nơi đây có nhiều hàng quán bán những món ăn cho bữa chính

vũ phượng

Bánh tráng trộn là món nổi tiếng trên đường Nguyễn Thượng Hiền

vũ phượng

Bà Phạm Thị Xuân Trang (51 tuổi, bán bánh tráng trộn) cho biết, đường Nguyễn Thượng Hiền vài năm trở lại đây tấp nập hàng quán nhưng chủ yếu là bán mang đi. Giá các món ăn trên đường này dao động từ 20.000 - 50.000 đồng, một số món đặc trưng thì cao hơn, nước uống từ 10.000 - 30.000 đồng.

“Con đường thường đông xe vào giờ trưa hoặc tan tầm buổi chiều theo từng đợt. Từ trước đến nay chưa từng bán phục vụ khách tại chỗ, thành ra tôi vừa mừng vừa lo khi tuyến đường trở thành phố ẩm thực. Dù vậy, tôi cũng mong khi người dân đến phố ẩm thực đông đúc, việc buôn bán sẽ thuận lợi hơn”, bà Trang chia sẻ.

Những bảng hiệu cùng kích thước, phông chữ được lắp mới trong chiều 19.12

vũ phượng

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Duyên (46 tuổi, bán bột chiên) hiện chỉ bán ban ngày nên chưa đăng ký tham gia phố ẩm thực. Nhưng nhìn không khí tấp nập của công tác chuẩn bị, bà Duyên cho hay, chờ vài ngày nữa xem tình hình thế nào, nếu đông người đến thì sẽ đăng ký tham gia.

Vì sao làm phố ẩm thực tại đường Nguyễn Thượng Hiền?

Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch UBND Q.3 cho biết, đường Nguyễn Thượng Hiền được tổ chức làm phố ẩm thực kéo dài từ giao lộ với đường Điện Biên Phủ đến đường Nguyễn Đình Chiểu (thuộc địa bàn P.4).

Trước đó, năm 2019, tạp chí Time Out (Anh) bình chọn tuyến Nguyễn Thượng Hiền là 1 trong 20 khu phố đáng sống của thế giới. Ngoài ra, tuyến đường này có nhà dân nhỏ, nằm sát nhau, nhiều hộ kinh doanh buôn bán nên việc tổ chức thành phố ẩm thực sẽ giúp ổn định hoạt động, đời sống kinh doanh của người dân và phát triển kinh tế đêm tại địa phương.

Theo người dân, đường này đông đúc xe cộ theo từng thời điểm

vũ phượng

Tuyến đường này nổi tiếng với những món bán mang đi

vũ phượng

Về tổ chức giao thông, bà Hằng cho biết địa phương đã xin ý kiến UBND và Sở Giao thông Vận tải về phân luồng. Theo đó, trong khung giờ tổ chức phố ẩm thực 18 - 22 giờ, tuyến đường này cấm xe 4 bánh lưu thông còn xe 2 bánh lưu thông 1 chiều theo hướng từ đường Điện Biên Phủ ra đường Nguyễn Đình Chiểu.

Trong tuyến đường đã được vẽ 2 vạch màu xanh là vạch giới hạn, người dân có thể kê bàn ghế phục vụ khách ngồi ăn tại chỗ ở bên trong vạch (rộng 1,5m tính từ lề đường) trong khung giờ tổ chức phố ẩm thực. Khu vực ở giữa dành cho shipper, người dân chạy xe 2 bánh mua mang về cũng như người dân có nhu cầu di chuyển qua đoạn đường này theo hướng từ đường Điện Biên Phủ ra đường Nguyễn Đình Chiểu, nhưng phải hạn chế tốc độ.

Hàng quán san sát

vũ phượng

Nhiều shipper đến lấy hàng đặt trên app

vũ phượng

Phó chủ tịch UBND Q.3 thông tin: “Chính quyền đã hỗ trợ bàn ghế, lắp bảng hiệu để đồng bộ ở phố ẩm thực. Trong thời gian tổ chức, có các lực lượng đứng phân luồng, hướng dẫn người dân lưu thông. Ngoài ra có thêm tổ tự quản, camera an ninh để đảm bảo hoạt động của tuyến phố”.

Du khách đến phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền có thể gửi xe tại số 1 Nguyễn Thượng Hiền (sát Công an Q.3) hoặc bãi giữ xe chợ Vườn Chuối. Trước khi ra mắt, các hộ dân cùng địa phương đã tham gia các buổi tập huấn an toàn thực phẩm, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự.

Đường Nguyễn Thượng Hiền thời Pháp thuộc là hành lang an toàn của đường ray xe lửa. Năm 1955 được cải tạo thành đường, đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến vòng xoay Dân Chủ và chính quyền Sài Gòn đặt tên là đường Nguyễn Thượng Hiền.
Thập niên 1990, đoạn đường xe lửa từ đường Điện Biên Phủ đến đường Nguyễn Thị Minh Khai phế bỏ, được san bằng thành đường và nối thêm vào đường Nguyễn Thượng Hiền thành chiều dài toàn tuyến là 930m.


Bình luận