Cuối tháng Chạp, các gia đình Việt thường chuẩn bị mâm cơm tất niên mời ông bà về ăn Tết. Không còn gói gọn trong gia đình, mâm cơm tất niên nay nhiều nhà mời thêm bạn bè, hàng xóm.
Theo phong tục của người Việt, ngày tất niên là ngày cuối năm, tức là 30 tháng Chạp với tháng đủ hoặc 29 đối với tháng thiếu. Tuy nhiên, sau này, để thuận tiện sắp xếp công việc, thời gian tổ chức tất niên linh hoạt hơn, thường thì bắt đầu từ sau rằm tháng Chạp một số gia đình, công ty đã bắt đầu tổ chức tất niên.
Cúng tất niên là gì?
Theo TS Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), mâm cúng tất niên mang ý nghĩa tiễn biệt năm cũ. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người thân đã khuất.
Ngày nay có nhiều dịch vụ đặt mâm cúng online |
D.Hằng |
Người Việt cũng quan niệm, ngày Tết không chỉ có người sống, mà người chết cũng ăn Tết nên sau khi dọn dẹp nhà cửa tươm tất, mỗi gia đình thường cúng mâm cơm để mời ông bà về ăn Tết.
Chuyên gia văn hóa cho rằng, tất niên ngày nay được mọi người xem là dịp để quây quần bên nhau, nhìn lại một năm đã qua và cùng chuẩn bị chào đón năm mới.
Vàng mã siêu tí hon ‘gửi’ tổ tiên đón tết ở Hà Nội |
TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cũng đồng quan điểm, cho biết theo tục xưa thì người Việt cúng tất niên vào ngày cuối năm.
Đến dịp này, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, mâm cơm tất niên thường có các món ăn truyền thống. Sau khi thắp hương cho ông bà xong, mọi người sẽ ngồi xuống để cùng nhau ăn uống, ôn lại những câu chuyện của một năm qua.
Nhiều gia đình cũng đặt "gà ngự vườn hồng" để cúng tất niên |
Q.Trang |
Năm hết tết đến, mọi giận hờn sẽ đều được xóa bỏ để cùng nhau hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn. Tục cúng tất niên cũng thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên trong văn hóa người Việt.
Do vậy, dù bận rộn thế nào, mâm cơm tất niên cũng phải có đầy đủ các thành viên trong gia đình để cảm nhận không khí giao hòa giữa thế giới trần và thế giới tâm linh.
Chiêm ngưỡng cây mai xanh hiếm có ở Cần Thơ |
Cách chuẩn bị mâm cúng tất niên
Theo chuyên gia văn hóa, mâm cúng tất niên không cần quá cầu kỳ mà quan trọng là thể hiện được lòng thành. Bữa cơm tất niên được người Việt xem như sợi dây vô hình nối kết giữa người còn sống và người đã mất.
Mâm cúng tất niên có nhà cúng chay, nhà cúng mặn nhưng đều thể hiện được sự phong phú trong đời sống tinh thần. Trước là để thể hiện lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, người thân đã khuất trong gia đình, sau là để các thành viên ngồi ôn lại năm qua, động viên nhau trong năm mới, qua đó tạo nên không khí đầm ấm trong gia đình.
TS Dương Hoàng Lộc cho biết, mâm cúng không cần quá cầu kỳ và quan trọng là lòng thành. Thông thường, mâm cúng tất niên sẽ có mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà bánh chưng (bánh tét). Các món ăn truyền thống ngày Tết được bày biện đẹp mắt.
Mâm cúng tất niên đơn giản của gia đình Việt với các món truyền thống |
v.p |
Bữa cơm tất niên ngày 30 Tết thường rất thiêng liêng. Sau mâm cơm tất niên, các gia đình chuẩn bị cho mâm cúng giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch. Đến đúng thời điểm giao thừa, các gia đình thường đặt lễ cúng lên bàn thờ gia tiên, thắp hương mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Nhiều gia đình vẫn còn giữ tục sẽ cúng cơm đủ 3 ngày Tết hoặc hơn, cho đến khi đốt vàng (vàng mã mua cúng Tết) để tiễn ông bà thì mới hết Tết.