“Được pháp luật bảo vệ”
Trao đổi về vấn đề này, luật sư (LS) Huỳnh Quốc Nhân, Phó giám đốc Công ty luật TNHH Lập Phương, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết đăng ký nhãn hiệu là cách duy nhất để chủ hàng quán giành quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.
Chỉ khi thương hiệu đó đã đăng ký và được cấp Văn bằng bảo hộ thì mới được pháp luật bảo vệ.
Theo LS, nếu kinh doanh quán ăn nhưng không đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ thì ai cũng có thể lấy tên hoặc logo này để sử dụng. Trường hợp quán đã có một lượng khách nhất định, được nhiều người biết đến sẽ dễ dàng gây ra sự nhầm lẫn cho thực khách và ảnh hưởng đến sự nhận diện của quán.
“Nếu chủ sở hữu đã đăng ký và được cấp Văn bằng bảo hộ thì sẽ có quyền thực hiện các biện pháp hợp pháp để ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu quán ăn tương tự, nhầm lẫn với thương hiệu quán ăn của mình”, ông Nhân nói về lợi ích khi chủ hàng quán đăng ký độc quyền nhãn hiệu.
Cũng theo vị LS này, trên thực tế, nhiều trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu không nhanh chóng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho quán ăn của mình thì các đối thủ cạnh tranh hoặc bất kỳ người nào cũng có thể đăng ký thương hiệu đó trước nhằm mục đích chiếm đoạt, cấm ngược lại, không cho chính chủ sử dụng và ép buộc mua lại với giá cao. Tình trạng này đang diễn ra rất phổ biến. Ví dụ, vụ việc tranh chấp nhãn hiệu Mixi Food, tranh chấp nhãn hiệu Tam Mao TV…
Bà Tống Thị Thúy Hằng (44 tuổi), là chủ một hàng bánh canh ghẹ có thâm niên hàng chục năm ở Q.Bình Thạnh cho biết dù không am hiểu nhiều về luật Sở hữu trí tuệ hay cách thức để đăng ký độc quyền nhãn hiệu, nhưng nhiều năm trước khi quán ăn của mình được nhiều khách biết đến và ủng hộ, vợ chồng chị cũng tìm cách để bảo vệ thương hiệu của mình.
“Chồng mình, cũng sợ là có một ngày nào đó có người nhái quán mình, hoặc lấy tên quán chẳng hạn nên đã tìm cách đăng ký nhãn hiệu từ sớm. Nhờ đó cho đến nay, vợ chồng mình yên tâm kinh doanh, buôn bán, tập trung vào chất lượng của món ăn. Mình yên tâm là khi đã đăng ký thành công rồi thì thương hiệu mình xây dựng mấy chục năm nay sẽ được pháp luật bảo vệ, và tránh những rắc rối không đáng có về sau", chị chủ nói thêm.
Đăng ký có khó không?
LS Huỳnh Quốc Nhân cho biết để đăng ký độc quyền nhãn hiệu, tốt nhất chủ quán ăn, uống nên tìm đến các đơn vị tư vấn có chuyên môn trong lĩnh vực này để hỗ trợ, việc thực hiện các thủ tục sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho quán ăn của mình, chủ sở hữu quán ăn cần chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cơ bản như sau: 2 tờ khai đăng ký nhãn hiệu (theo Mẫu số 04-NH của Phụ lục A Ban hành theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ); 5 mẫu nhãn hiệu đi kèm (kích thước không quá 80x80 mm; rõ nét và cùng mẫu trên tờ khai); 1 Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ); Các tài liệu khác nếu có (tài liệu chứng minh quyền ưu tiên; giấy ủy quyền…).
Sau khi hoàn tất các giấy tờ, chủ hàng quán có thể nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ (Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP.HCM và Đà Nẵng) và đây là hình thức nộp phổ biến. Bên cạnh đó, cũng có thể nộp hồ sơ giấy qua đường bưu điện đến trụ sở hoặc Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc nộp hồ sơ thông qua cổng thông tin trực tuyến.
“Theo quy định thì tổng thời gian thẩm định một nhãn hiệu sẽ kéo dài 12 tháng. Tuy nhiên hiện nay, quy trình này có thể kéo dài thành 18 – 24 tháng tùy vào lượng hồ sơ và số đơn đăng ký. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi, chủ sở hữu nhãn hiệu nên tiến hành đăng ký càng sớm càng tốt, tránh trì hoãn sẽ khiến quá trình đăng ký nhãn hiệu kéo dài”, LS khuyến cáo.
Phí đăng ký ra sao?
LS Huỳnh Quốc Nhân cho biết căn cứ Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài Chính, bao gồm các loại phí sau:
- Phí nộp đơn: 150.000 VNĐ;
- Phí công bố đơn: 120.000 VNĐ;
- Phí tra cứu phục vụ: 180.000 VNĐ/1 nhóm sản phẩm, dịch vụ;
- Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000 VNĐ/1 sản phẩm, dịch vụ;
- Phí thẩm định nội dung: 550.000 VNĐ/1 nhóm sản phẩm, dịch vụ;
- Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000 VNĐ/1 sản phẩm, dịch vụ.
"Chi phí trên là chi phí tối thiểu khi tiến hành đăng ký quán ăn, thức uống tại Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, mức phí này hoàn toàn có thể thay đổi do điều chỉnh của Bộ Tài chính hoặc phụ thuộc vào số lượng nhóm sản phẩm/dịch vụ mà chủ sở hữu đăng ký bảo hộ", LS cho biết thêm.