Tôi lần đầu tiên biết đến cơm gà Lạc Sơn là trong một lần ghé qua thị trấn Quy Đạt, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình).

Khi ấy trời đã tối, hàng quán đã đóng cửa, thị trấn miền núi nên sức sống về đêm cũng chẳng nhộn nhịp là bao.

"Sao không đi ăn cơm gà Lạc Sơn?", chủ nhà nghỉ lên tiếng khi thấy tôi bụng đói trở về. "Món này người ta ngồi vỉa hè bán thôi. Các chú cứ chạy dọc đường, thấy chỗ nào người ta kê cái thùng, bỏ vài chiếc đèn dầu thắp sáng thì tấp vào. Ra Quảng Bình là phải thử món đó, đảm bảo ngon", bác chủ nhà nhiệt tình bảo.

Vậy là chúng tôi lấy xe chạy rảo dọc đường. Trước mặt một công viên nhỏ, một chị kê chiếc thúng trên bàn nhựa, dựng lên mấy ngọn đèn dầu. Một vài chiếc ghế nhựa được xếp gọn gàng phía trong. "Có phải ở đây bán cơm gà Lạc Sơn không chị?". "Đúng rồi em, vào ăn đi", người bán đon đả mời chào, với tay lấy chiếc bàn nhựa mang ra dọn cho khách.

 Cơm gà Lạc Sơn - Ảnh 1.

 Cơm gà Lạc Sơn - Ảnh 2.

Cơm gà Lạc Sơn với nguyên liệu từ vườn nhà và công thức nấu truyền đời

Nguyễn Đắc Thành

Một tô cơm lớn nóng hổi; một tô thịt gà kho lộn xộn trong đó có trứng quả, chả, dưa cải, ớt trái kho chín… Miếng thịt gà dai, thấm vị, hợp với những ai kén ăn nhất.

Vì sao nó có tên gọi cơm gà Lạc Sơn? Người địa phương cho chúng tôi hay, món ăn này có nguồn gốc từ thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình. Người dân thôn Lạc Sơn thức dậy từ sớm, chế biến món ăn rồi bỏ tất cả vào thúng, bắt tàu chợ lên bán cho thực khách. Họ tỏa đi các hướng, bán khắp nơi trong tỉnh, nhưng nhiều nhất vẫn là ở các ga tàu, chợ… Món ăn từ một làng quê nhỏ giờ đây đã vươn ra khắp cả tỉnh.

Cơm gà Lạc Sơn có tiếng vì độ ngon, dai của thịt và cách chế biến. Gà, nguyên liệu chính, được người dân nuôi thả vườn. Gà chọn nấu không quá già và không non. Tất cả nguyên liệu để nấu gồm: gà vườn, trứng quả, dưa cải, ớt và nghệ tươi… Cách nấu rất đơn giản: Ban đầu người ta khử dầu ăn bằng nghệ bột hoặc nghệ tươi và ớt khô rồi cho tô nước mắm pha loãng cùng muối, đường, tiêu, hạt nêm, chờ nước sôi rồi thả gà đã chặt vào nồi. Người nấu cần canh bếp, tầm hơn một giờ đun sôi, nước "rặt" còn vừa đủ, thịt vừa mềm vừa thấm thì thêm hành ngò và ớt tươi nguyên trái vào. Khi nước cạn, miếng gà chín tới toát lên màu vàng tươi của nghệ cũng là lúc người nấu gạt bớt hết lửa. Cơm cũng nấu trên bếp lửa. Khi tất cả xong xuôi cũng là lúc trời tờ mờ sáng, họ bỏ vào thúng, tỏa đi mọi nơi để bán.

Món cơm rất ngon mà chúng tôi ăn hôm ấy giá chỉ 20.000 đồng/phần. Mọi nguyên liệu cho món cơm gà hầu như người dân tự làm ra. Không ai biết món cơm gà Lạc Sơn này có từ bao giờ, họ chỉ nhớ mang máng "có từ rất lâu rồi". Người đi trước truyền cho người sau, rồi cứ thế tiếp nối buôn thúng bán bưng. Người khỏe thì đội thúng, nhảy tàu đi xa; người già thì ngồi vỉa hè bán. Một món ăn dân dã và được lòng thực khách nên hầu như không bữa nào người bán ế hàng. Khi đã hết, ai muốn bán tiếp thì quay trở về nhà, chế biến rồi bán chuyến đêm khuya.

Có dịp đến Quảng Bình, bạn nhớ làm cho mình ấm bụng bằng một bữa cơm gà Lạc Sơn.


Bình luận