Mít non phối với cá chuồn trong món kho măn mẳn để "nghe" gió biển hương rừng hòa quyện. Nhưng cá chuồn không chỉ đi với mít non. Món cá chuồn um với cà chín hườm cũng cho mùi vị "đưa đẩy" lắm. Tới món cá chuồn - lá giang thì thực sự cá chuồn "lên đời", còn lá giang mọc bụi mọc bờ thì "xuống phố". Cả hai tôn nhau lên thành món canh chua vừa thanh vừa ngọt.
Vào mùa cá ‘biết bay', ngư dân khấp khởi vì trúng đậm
Với món này, mẹ tôi hay bỏ thêm nắm tấm trước khi bắc nồi xuống bếp. Có tấm, nước canh không còn trong. Nhưng bù lại, nước canh cho cảm giác bùi béo hấp dẫn vô cùng. Còn miếng cá thì nhờ những hạt tấm li ti mà vấn vương mùi gạo mới. Đấy là những món gắn với bữa cơm nhà. Còn món gỏi cá chuồn cuốn bánh tráng với các loại rau mùi thì ngon tới bến. Món này thường vượt ra ngoài "biên độ" gia đình. Những nhóm bạn trẻ thích khề khà cà kê dịp cuối tuần thì gỏi cá chuồn là một lựa chọn sáng nước.
Mùa cá chuồn vắt ngang từ giữa xuân tới cuối hạ. Đây là khoảng thời gian biển trời cho vẻ đẹp thơ mộng, yên bình. Ghe nhỏ, thúng chai cách bờ vài hải lý cũng đánh được cá chuồn. Bến bãi những ngày này xôn xao cá chuồn xanh, chuồn cồ, chuồn khơi, chuồn lộng. Cá chuồn nhiều nhưng giá cả bao giờ cũng phải chăng (cỡ 50.000 đồng/kg). Thêm nữa, cá chuồn thịt dai, ngon, lành tính, đạm nhiều, không kén người ăn nên có lúc cá về bến nườm nượp.
Cá chuồn tươi thì bán chợ gần. Cá chuồn ướp đá thì bán chợ xa, kể cả các chợ miền núi. Nhiều người mua cá chuồn để phơi khô, làm quà cho người thân. Một số người quê chờ giá cá hạ thì mua hết về thính với bắp, muối, đường, gọi là "cá chuồn thính".
Cá chuồn thính chưng với chút thịt mỡ thì ngon tới đáy xoong, nồi cơm Thạch Sanh cũng chịu không thấu. Nhiều người ghiền, trời chưa lạnh cũng… chạnh nhớ cá chuồn thính. Có người quá "mê đắm", gọi cá chuồn thính là… người tình mùa đông.
Nhớ làng xưa, lúc mùa chuồn đang rộ, cứ chục nhà có một nhà nướng cá giữa hai hàng gạch để bán trong buổi chợ mai. Có hôm lặng gió, mùi cá nướng lẫn trong khói cứ chùng chình, tưởng có thể… cầm được "miếng" hương. Cá nướng chín rồi đem kho lại với dưa muối thì ngon đậm ngon đà. Trẻ nhỏ đứng xớ rớ, "cầm nhầm" vài con trước khi chạy chơi không bị người lớn coi là ăn cắp.
Với cá chuồn, bơi là chuyện nhỏ, bay mới là chuyện lớn. Nó có thể dang rộng cặp vây hai bên sườn thành đôi cánh bay xa cả trăm mét mỗi khi "hứng chí". Sân đáp dĩ nhiên là mặt nước. Có khi cả đám năm sáu con hạ cánh nhầm trên… sàn tàu. Với ngư dân, lúc này nó là quà tặng từ trên trời rớt xuống.
Tối nay trăng lên. Theo "nguyện vọng" của bạn ở xa về, nhóm bày cuộc cá chuồn nướng. Bạn nói: "Xa quê… chỉ còn những mùa nhớ, nỗi nhớ mang tên cá chuồn". Tụi mình không ướp cá với gia vị trước khi nướng mà để nguyên con lên vỉ, nướng mộc thôi. Cá nướng mộc cho mùi thơm vừa tinh khôi vừa thật thà. Nướng vậy mới "phát huy" hết mùi hương rất… cá tính của cá chuồn. Nước chấm cũng đừng lung tung. Một chén mắm thứ thiệt, màu cánh gián với rất nhiều khoanh ớt xanh đặc quánh đủ làm thăng hoa từng miếng cá trắng tươi.