Nằm trên mặt tiền đường Vĩnh Khánh (Q.4), quán bún thịt nướng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Trường Thọ (23 tuổi) được nhiều thực khách yêu thích, thường đông đúc vào dịp cuối tuần.
Chỉ bán từ 17 giờ tới 2 giờ sáng hôm sau
Chừng 17 giờ, quán của anh Thọ mới bắt đầu mở cửa đón khách. Sau cơn mưa tầm tã ở TP.HCM, tôi tìm ghé ăn một phần bún thịt nướng ở đây để thỏa cơn đói cồn cào trong bụng. Vừa tới nơi, mùi thịt nướng thơm phức tỏa ra khiến bụng tôi càng… kêu to hơn.
[CLIP]: Độc lạ quán bún thịt nướng cho khách ăn trong thau, truyền qua 4 đời.
Mới mở bán chưa bao lâu, nhưng quán đã đều đặn khách, có thời điểm ngồi kín hết mấy cái bàn. Ai cũng vui vẻ ăn uống, cười nói rôm rả. Còn gần chục nhân viên ở đây thì tất bật cùng anh chủ trẻ, mỗi người một việc để tô bún thịt nướng ra bàn cho khách sớm nhất, chỉn chu nhất.
Điều đặc biệt tôi quan sát thấy ở tiệm bún thịt nướng này, chính là thay vì làm bún thịt nướng ở trong tô để mang ra cho khách như những quán ăn khác, thì quán lại làm món trong một cái thau bằng inox. Lý giải cho điều này, anh chủ cười hiền:
Hồi trước gia đình em cũng bán bún trong tô nhựa bình thường à, nhưng mà xài được một thời gian thì tô bị dơ, ảnh hưởng tới vệ sinh cũng như sức khỏe của khách. Từ thời mẹ em tiếp nhận quán bún của bà ngoại, năm 2015, thì mới đổi sang bán bằng mấy cái thau nhỏ này để dễ rửa dọn, dùng được bền!
Anh Nguyễn Ngọc Trường Thọ, Chủ quán
Trong một thau bún thịt nướng ở quán của anh Thọ cũng có đầy đủ các thành phần giống như ở những quán khác tôi từng ăn qua, từ bún, thịt nướng, thịt viên, chả giò, bì… ăn kèm cùng với rau giá sống, đồ chua, đậu phộng, mỡ hành kèm theo nước mắm chua ngọt.
Tuy nhiên, anh chủ cho biết những nguyên liệu, thành phần đều do gia đình anh tự chế biến theo công thức riêng được truyền từ đời của bà cố. Thêm nữa, đồ chua ở đây cũng lạ khi anh không dùng cà rốt hay củ cải trắng mà dù đu đủ xanh ăn hết sức lạ miệng.
Giá mỗi tô bún ở đây dao động từ 40.000 - 50.000 đồng tùy nhu cầu của khách. Đói không chịu được, tôi gọi một phần bún để thưởng thức. Đúng như lời giới thiệu của chủ quán, tô bún ở đây ngon vì sự tổng hòa của các nguyên liệu khác nhau, chả giò thì giòn với phần nhân bên trong đậm đà, thịt nướng mềm, giữ được độ ẩm, đậm vị ăn cùng đu đủ chua giòn sừng sựt, đậu phộng béo béo thơm thơm và rau mùi tươi non quả là “số dzách".
Không biết vì đói, hay vì bún ở đây thực sự ngon, cũng có thể vì cả 2 lý do trên mà tô bún ở đây tôi ăn ngon tới lạ, thoáng cái hết… thau. Với tôi, bún thịt nướng ở đây đạt điểm 8.5/10, đáng để thử qua và ghé lại.
Anh Thương (34 tuổi, ngụ Q.1) chiều tối cũng dẫn vợ qua quán bún của anh Thọ để ăn. Vị khách cho biết anh ăn ở đây từ thời quán cũ nằm ở địa chỉ khác cũng trên đường Vĩnh Khánh này, rồi mê luôn hương vị.
“Không thể nói quán nào ngon hơn quán nào, vì khẩu vị của mỗi người mỗi khác. Nhưng mà bún thịt nướng ở đây hợp miệng tôi, một tuần phải qua đây ăn 3 - 4 lần mới chịu. Quán này hồi đó bán từ 22 giờ tới 2 giờ sáng, sau này đổi thành 17 giờ tới 2 giờ sáng nên được ăn sớm hơn", vị khách cho biết.
Anh Thọ xác nhận về khung giờ bán, nói rằng sở dĩ anh bán tới rạng sáng là để phục vụ cho khách ăn khuya. Tuy nhiên anh cũng dự định chừng 1 tháng nữa sẽ thay đổi khung giờ bán, sẽ bán buổi sáng lẫn buổi tối để phục vụ cho khách được tốt hơn.
3 thế hệ trong gia đình cùng bán
Trong quán của anh Thọ, có bà ngoại, mẹ và anh cùng bán. Tuy nhiên hôm tôi gặp không thấy mẹ anh, vì bà đi du lịch. Đó cũng là lý do mà trong món ăn thiếu một thành phần quan trọng, đặc trưng của quán là bì. Thiếu mẹ, anh chủ gen Z không làm kịp.
Nhìn cháu trai cùng nhân viên quán tất bật phục vụ khách, cụ Chu Thị Nhân (72 tuổi, bà ngoại của anh Thọ) cho biết quán được bà mở hơn 30 năm trước trên đường Đoàn Văn Bơ (Q.4). Nói là quán, nhưng thời đó cũng chỉ là cái gánh nho nhỏ.
Hồi xưa mẹ tôi từ ngoài Bắc vào miền Nam, để có tiền nuôi con cái nên gánh bún thịt nướng đi bán dạo ở trung tâm Sài Gòn. Sau này tôi cũng học được cách mẹ làm bún nên mở gánh bán. Bán tới 2015 tôi thấy sức mình không còn mạnh, nên nói con gái khi đó đang làm công nhân may về kế thừa quán.
Cụ Chu Thị Nhân
Từ ngày đó, bà Chu Thị Nga (51 tuổi, con gái cụ Nhân) bỏ nghề công nhân về bán bún thịt nướng. Nhờ sự hướng dẫn của mẹ, dần dần bà cũng nắm được cách nấu, chế biến để hương vị sao cho ngon đúng với công thức của gia đình.
Trong ký ức của anh Thọ về quán bún, tuổi thơ của anh là những ngày đi học về rồi ra phụ mẹ, phụ bà. Nhưng chàng trai thì chưa từng nghĩ mình sẽ theo nghiệp này. Học xong lớp 9, anh nghỉ học. Sau đó, anh học làm bartender rồi làm việc ở một quán bar tại trung tâm TP.HCM một thời gian.
Dịch Covid-19 ập tới, anh tạm nghỉ việc. Từ đây, anh về tiếp quản quán bún của gia đình cùng mẹ, cùng bà. “Mẹ em có 2 người con trai, em là con út. Anh em thì làm nghề khác, không mê buôn bán đồ ăn. Em thì càng bán càng học hỏi được nhiều, càng thấy thích thú với nghề này nên quyết định gắn bó luôn", anh chàng gen Z cho biết.
Với anh chủ trẻ, nhìn thấy khách được ăn ngon, hài lòng với món ăn và tới ủng hộ mình là một niềm hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn khi anh đang tiếp nối quán bún thịt nướng đầy tâm huyết đi qua nhiều thế hệ trong gia đình. Anh tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng bà, mẹ và cả những vị khách đã ủng hộ suốt mấy chục năm qua…