Nhắc đến anh Quốc Thái, bà con lối xóm đều xót xa trước hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của anh. Năm 2021, vợ anh Thái qua đời lúc dịch Covid-19, anh nghỉ công việc lái xe để dành thời gian chăm lo con cái và thay vợ tiếp quản quán bún riêu gia truyền.
Tâm huyết cả đời của vợ
Trước khi về bán bún riêu thay vợ, anh Thái làm nghề lái xe. Anh kể, được phiêu bạt đây đó là ước mơ từ nhỏ của anh. Khi biến cố ập đến với gia đình, anh phải đứng giữa 2 lựa chọn là tiếp tục theo đuổi đam mê hay ưu tiên gia đình.
Quán bún riêu “không tên” này là tâm huyết cả đời của vợ anh Quốc Thái. Ngày còn sống, chị chăm chút cho quán, ngày nào vắng khách, chị lại trăn trở liệu “có phải hôm nay nêm nếm không ngon” hay “đồ ăn hôm nay không vừa ý khách hàng”.
Thương vợ, thương con, lo lắng quán bún riêu tâm huyết của vợ không ai chăm nom, anh đã quyết định nghỉ việc “về nhà”.
Mỗi ngày, quán của anh Thái bán khoảng 200 tô bún riêu. Để đảm bảo chất lượng và giữ đúng hương vị vợ nấu khi xưa, anh Thái đã tự tay chuẩn bị toàn bộ nguyên vật liệu, nêm nếm gia vị. Anh cho hay, muốn có thịt và rau tươi, anh và mẹ vợ phải đi chợ từ sớm, tỉ mỉ lựa từng loại.
Thời gian đầu khi tiếp quản quán bún riêu, anh Thái gặp nhiều khó khăn. Từ một người đàn ông cầm lái “tung hoành” trên mọi nẻo đường nay trở thành người bán bún riêu nuôi 3 đứa con. “Ban đầu, tôi thấy sượng với chính công việc mình đang làm. Có mấy đêm nằm ngủ, tôi nhớ cái vô lăng, nhớ cả hình ảnh gia đình đoàn tụ, chờ đợi tôi về ăn cơm sau mỗi chuyến đi”, anh Thái bộc bạch.
Bà L.M.X (53 tuổi, Q.6) là một người bà con thân tình của vợ chồng anh Thái chia sẻ, bà chứng kiến vợ anh Thái mở quán bún riêu từ những ngày đầu. “Hai vợ chồng cưới nhau về cũng chịu khó san sẻ, làm ăn đi lên. Nào ngờ do Covid-19 mà thành ra như vậy. Hồi vợ nó còn sống, quán bún riêu này đắt lắm, bán không ngơi tay”, bà nói.
“Đã từng muốn buông xuôi”
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Thái cho biết, một mình anh vừa nấu, vừa bán từ sáng sớm cho đến tối khuya nên anh thường xuyên bị kiệt sức. Có những hôm không gắng gượng được, anh phải đóng cửa quán 2, 3 ngày liền.
“Bà xã đi rồi, một mình tôi mà lo toan đủ thứ. 3 đứa con trai mà đứa út còn bị chậm nói, không có tôi bên cạnh thì đâu có được. Có ngày đứng bán từ sáng tới khuya, tôi nằm xuống giường là ngủ, mặc cho cả người toàn mùi thức ăn”, anh Thái tâm sự.
Dù là thế, nhưng nhìn những đứa con khôn lớn từng ngày, bố mẹ cũng càng ngày già đi anh Thái biết mình không được từ bỏ. Vừa vì tâm huyết của vợ bao nhiêu năm, vì nuôi sống cả gia đình anh vẫn luôn tự nhủ mình rằng phải cố gắng.
“Có lẽ tôi sẽ bán cho tới lúc nào mình còn có thể bán được. Các con thiếu tình thương của mẹ, tôi muốn thay vợ dành tình thương đấy cho con, chỉ mong sau này các con trưởng thành, có công việc ổn định, không phải cực khổ như bố mẹ”, anh Thái cười nói.
Anh Thái còn cho biết thêm, lúc vợ anh còn là bà chủ, khách tới ăn ngày nào cũng đông nghịt, xếp hàng dài chờ mua, bán gấp mấy lần bây giờ.
“Vợ tôi đặt tâm huyết rất nhiều vào quán bún riêu này, tôi biết mình cần phải duy trì ước mơ của vợ, cũng may mắn được nhiều người thương, tới giờ khách vẫn đông dù không bằng trước”, anh Thái kể.
Hỏi sao anh Thái không đi bước nữa để có người đỡ đần, bầu bạn lúc về già, anh cười: “Cực quá thì đôi lúc cũng nghĩ bâng quơ vậy chứ ngó quanh thấy không ai bằng vợ mình. Từng ấy năm bên nhau, nghĩa tình quá sâu nặng”, anh Thái nhìn xa vào phía trong nhà, nơi 3 con trai và mẹ vợ còn đang nô đùa.
Chị Phan Thùy Trang (32 tuổi, Q.6) là “khách ruột” của quán chia sẻ, ngày nào gia đình chị không nấu cơm thì sẽ đến quán anh Thái ăn bún riêu. Gia đình chị Trang ăn ở đây từ ngày vợ anh Thái còn sống, cảm động trước cảnh hai vợ chồng anh yêu thương, đùm bọc nhau. Bà con lối xóm ai cũng thương nên đến ăn ủng hộ anh và gia đình.