Bà Hồng, là tên gọi thân quen của bà Trương Thị Gia (67 tuổi), một người phụ nữ gốc Hoa quê Sóc Trăng, cũng là chủ của quán cháo đêm kỳ lạ bán suốt hơn 40 năm qua. Không phải ai cũng biết câu chuyện xúc động phía sau quán cháo này.
Từ thời con gái…
Đêm lạnh Sài Gòn, tôi chạy xe dọc đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), ghé vào quán cháo lòng của bà Hồng nằm trước hẻm 194 bình yên. Quán lai rai khách, hầu như ai cũng là khách quen ở đây.
Nói là quán cháo lòng, nhưng ở đây bà chủ còn bán thêm hủ tiếu, mì, bánh canh, nuôi… đa dạng món cho khách lựa chọn. Nhưng người ta vẫn gọi đây là quán cháo lòng, bởi bà Hồng bán món này cũng ngót nghét 40 năm, ở quanh khu vực này.
Mới mở, khách chưa đông, bên cạnh bếp than hồng với mấy nồi nước lèo, nồi cháo sôi sùng sục, bà chủ ngồi kể cho tôi nghe câu chuyện về quán ăn mà bà mở bán từ hồi còn con gái.
“Tôi quê ở miền Tây, lên Sài Gòn sống. Làm đủ thứ nghề, sau đó mới chuyển qua bán đồ ăn. Thấy có duyên với nghề này nên bán từ đó tới giờ luôn. Không ai dạy tôi nấu, tôi ăn, học cách làm, nghề dạy nghề rồi nấu được như bây giờ", bà chủ tâm sự.
Lấy chồng, bà Hồng có một cô con gái. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi cô con gái khôn lớn, trưởng thành, học đại học giờ có công ăn việc làm ổn định, cũng chính nhờ quán ăn này. Bà chủ nói dù mình có cực khổ, có vất vả như thế nào, nhưng bà quyết không để con cực để rồi giờ thấy con khôn lớn, thành tài, bà tự hào và hạnh phúc.
[CLIP]: Cháo đêm kỳ lạ ngay trung tâm TP.HCM: Tới 4 giờ sáng, bà chủ là… 'siêu nhân'.
Quán cháo này, ban đầu bà chỉ bán vào ban ngày. Sau này, khu vực Q.1 khách chơi đêm nhiều, nhiều người mong bà bán vào buổi tối. Vậy là bà chủ chiều khách tối đa, đổi giờ bán từ 19 giờ 30 phút tối đến 4 giờ sáng hôm sau, cũng hơn chục năm nay.
Buôn bán lúc này lúc khác, bữa đông bữa ế, nhưng bà chủ nói hễ ở nhà thì thấy trong người mệt mỏi, uể oải, bệnh khớp cũng nặng hơn, hễ ra bán, gặp khách, thì thấy trong người khỏe khoắn, tinh thần phấn chấn tới lạ.
“Chắc cuộc đời bắt tôi phải gắn với quán ăn này, tới khi nào không còn sức bán nữa thì thôi", bà chủ cười tươi, nói vui.
Bà có phải là 'siêu nhân'?
17 giờ, bà Hồng đã bắt đầu dọn hàng. Nhưng vì 2 chân bị viêm khớp gần 5 năm nay, đi lại khó khăn, thêm vào đó chỉ có một mình bà lo hết mọi việc từ trong ra ngoài, nên hơn 2 tiếng sau, quán mới sẵn sàng đón khách.
"Nhiều người gọi bà là siêu nhân, vì bao nhiêu việc một mình bà làm hết?", nghe tôi nói tới đây, bà cười móm mém, nói rằng vì quán nhỏ, không thuê thêm người. Bà cũng quen với việc buôn bán một mình vì… làm đúng ý của mình nhất. Bán xuyên đêm, bà không thấy mệt vì cũng đã quen rồi.
Ở đây, mỗi phần cháo lòng có giá 30.000 đồng, các phần bánh canh, nuôi, hủ tiếu hay mì đều đồng giá 40.000 đồng. Trời lạnh lạnh, tôi gọi một tô cháo lòng, ăn cạnh bếp than hồng, nhìn ra con đường trung tâm thưa xe đi lại vào nửa đêm, là một trải nghiệm thật thú vị.
Phải nói, điều làm nên thương hiệu của món cháo lòng ở đây, là cách nêm nếm từ kinh nghiệm hơn 40 năm buôn bán của bà chủ, ăn vừa miệng và đậm đà. Phần lòng heo đa dạng, được chế biến sạch sẽ, không bị tanh, là một điểm cộng lớn. Với hương vị và tầm giá này ở ngay khu vực trung tâm TP.HCM, tô cháo xứng đáng đạt điểm 8.5/10, đáng để ghé lại nhiều lần.
Anh Thành Công (28 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết những ngày chở người quen vào trung tâm TP.HCM hóng mát, đi dạo, anh thường ghé ủng hộ bà. Phần vì thương cụ bà một mình buôn bán, phần vì các món ăn ở đây phù hợp khẩu vị của anh.
“Không chỉ cháo, mà các món khác cũng ngon, vừa miệng. Không hiểu sao mình thích ăn ở những quán bình dân như vậy, thấy thoải mái, ngon miệng hơn những quán lớn hay nhà hàng sang trọng”, anh nhận xét.
Càng về khuya, đường phố dần thưa người. Chỉ có quán cháo của cô Hồng vẫn ở đó, sáng đèn, tỏa mùi thơm phức chờ đón những thực khách nửa đêm, rạng sáng ghé ăn…