BÀN VỀ GIẢI HẠN
Sách xưa truyền lại có 3 bảng tính vận hạn cho con người theo các độ tuổi từ 1 đến 100 tuổi, trong đó có một bảng tính hạn giống nhau cho cả nam và nữ và 2 bảng tính vận hạn cho tuổi nam, nữ khác nhau khi cùng đến một tuổi nhất định. Loại bảng tính hạn thứ nhất dùng 12 sao (quy ước) là: Thái tuế, Thái dương, Tang môn, Thái âm, Quan phù, Tử phù, Tuế phá, Long đức, Bạch hổ, Phúc đức, Điếu khách, Bệnh phù, dùng chung cho cả nam và nữ khi cùng đến một tuổi nhất định. Còn hai bảng tính vận hạn riêng cho nam, nữ khác nhau khi đến cùng một tuổi thì một bảng dùng 8 sao (quy ước): Tam kheo, Ngũ hổ, Thiên tinh,Toàn tân, Thiên la, Địa võng, Diêm vương, Huỳnh tuyên, được tính cho các tuổi liên tục từ 11 cho đến 98 tuổi, còn một bảng khác thì lại dùng 9 sao (quy ước) như: Thổ tú, Thủy diệu, Thái bạch, Thái dương, Vân hớn, Kế đô, Thái âm, Mộc đức, La hầu, cũng chỉ tính hạn cho con người từ 11 cho đến 100 tuổi. Nếu người nào đã có chút kiến thức Nho học thì chỉ cần biết tên chữ là hiểu được ý nghĩa của năm mà mình đến độ tuổi ghi trong bảng hạn. Chữ "hạn" được dùng trong trường hợp này cùng nghĩa với chữ "hạn" trong thời hạn, hạn kỳ, nhưng nhiều người do không hiểu nên đã lo sợ và dị ứng với khái niệm này, tự làm rối tâm mình và tốn thời gian, cũng như tốn tiền bạc để đi làm lễ "giải hạn". Theo khoa học tâm linh, vận hạn của mỗi người vận động theo quy luật của các chu kỳ sinh học, đồng thời chịu tác động của trường thông tin vũ trụ đến trường sinh học, ứng với các giai đoạn khác nhau của cuộc đời mỗi con người. Một người có hiểu biết có thể tự hạn chế bớt được những những ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống của mỗi cá thể bằng cách hiểu được chữ "hạn" khác trong nghĩa của từ "hạn chế", ví dụ như: hạn chế tham vọng, hạn chế đầu tư, hạn chế ăn chơi hưởng lạc, hạn chế đi lại, ...Trong một bản kinh đã chỉ rõ: "Chư Phật không rửa sạch tội lỗi, không đưa tay ban phép để cho hữu tình bớt đau khổ, không trao sự chứng ngộ chân như của Ngài cho kẻ khác. Ngài giải thoát cho mọi người bằng giáo lý về chân như" !

image
image