Nghe tôi nhắc đến món cháo đậu, có người trố mắt ngạc nhiên về sự kết hợp kỳ lạ của các thành phần. Nồi cháo đậu đầy đủ và đúng phải gồm cháo trắng nấu với đậu đen hoặc đậu đỏ (tùy sở thích), nước cốt dừa, ngoài ra có thể thêm… đĩa cá kho khô hay dưa mắm.
Lâu ngày ở Sài Gòn món gì tôi có thể quên chứ cháo đậu ngày xưa ngoại nấu thì tuyệt nhiên không. Đơn giản vì những hôm trời mưa sớm, thay vì ăn sáng với cơm tấm, hủ tiếu hay món gì đó…, ngoại sẽ nấu một nồi cháo đậu chan nước cốt dừa thơm lừng đánh thức cả nhà.
Có hôm vì tò mò công thức, tôi dậy thật sớm khi biết ngoại nấu món cháo đậu để cả nhà ăn sáng. Thế là tôi được dịp chiêm ngưỡng toàn bộ quy trình ngoại làm. Trước tiên, ngoại lấy đậu đỏ đã ngâm từ đêm qua cho vào nồi đổ nước và bắc lên bếp để lửa liu riu trong lúc làm nước cốt dừa. Công đoạn có thể nói là cực nhất vì vừa phải lựa dừa ngon, cơm dừa chuẩn, vắt nước cốt kẹo.
Ngoại lựa trái dừa rám (quả dừa già, cùi dừa thường dày và khô, vỏ sát cùi có màu nâu sẫm), đập đôi quả, dùng bàn nạo bằng tay, nạo nhuyễn cùi dừa sau đó nhào với nước ấm, rồi nhồi cho ra nước cốt dừa xong vắt, dùng rây hoặc vải mùng lọc lấy phần nước không cặn.
Nạo dừa xong thì nồi đậu trên bếp của ngoại cũng đã bắt đầu mềm; chờ thêm xíu sau khi đậu chín, ngoại cho tiếp gạo đã vo sạch vào nấu chung, thêm nước và lá dứa (rửa sạch để ráo từ đêm) vào để tạo mùi thơm.
Chờ khi gạo và đậu mềm hẳn, ngoại vớt bỏ lá dứa, cho nước cốt dừa vào khuấy đều, nêm nếm rồi tắt bếp. Tới đoạn này, ngoại dặn cả nhà đừng cho hết nước cốt dừa vào, chừa lại 1 ít nước cốt nhất (phần nước vắt ra đầu tiên) nấu kẹo lên, khi ăn chan thêm vào sẽ béo và thơm ngon hơn.
Kể thì nghe như nấu món cháo đậu vất vả lắm, nhưng với ngoại, món này dễ ẹc, làm xíu là xong, là có ngay chén cháo nóng ấm, thơm ngon, bổ dưỡng.