Ngày 21/7, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2021/TT-NHNN quy định tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19.
Tổng số tiền tái cấp vốn là 7.500 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái cấp vốn quá hạn đều 0%/năm. Thời hạn tái cấp vốn trong vòng 1 năm, tính từ ngày Ngân hàng Nhà nước rót tiền cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, thông tư có 10 điều, bao gồm các nội dung cơ bản: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; số tiền, lãi suất, thời hạn, giải ngân, tài sản bảo đảm, trình tự tái cấp vốn, trả nợ vay và trách nhiệm các bên liên quan.
Cụ thể, tổng số tiền tái cấp vốn là 7.500 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái cấp vốn quá hạn đều 0%/năm. Thời hạn tái cấp vốn trong vòng 1 năm, tính từ ngày Ngân hàng Nhà nước rót tiền cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, tại khoản 1, điều 7 của thông tư ghi rõ: “Khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg”.
Trong trường hợp phát hiện Ngân hàng Chính sách xã hội có tiền trả nợ của người sử dụng lao động mà không trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước thì sẽ bị áp dụng lãi suất bằng lãi suất cho vay quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người sử dụng lao động quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (12%/năm) đối với số tiền chưa trả đúng.
Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước trích tài khoản của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước để thu hồi số tiền vay tái cấp vốn mà Ngân hàng Chính sách xã hội chưa trả đúng.
Liên quan đến các gói hỗ trợ đối tượng tổn thương bị tác động bởi đại dịch Covid - 19, ngày 22/7, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội của kỳ họp Quốc hội lần này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đánh giá như sau:
Về việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ, đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp. Dự kiến nguồn lực ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khoảng 61.580 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Cụ thể, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ.
Cùng đó, gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỷ đồng đã giải ngân cho 245 chủ sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, cần chú trọng triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Ngoài ra, gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền là trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ.
Bởi vậy, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, cần chú trọng triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.