Mặc dù Mỹ cố gắng thúc đẩy đoàn kết, quan hệ Nhật - Hàn vẫn căng thẳng và họ ít khả năng đồng lòng trong chính sách với Trung Quốc.
Khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman gặp người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tuần trước tại Tokyo, họ đưa ra thông điệp nhấn mạnh đoàn kết và đồng lòng gìn giữ hòa bình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sherman nói với các phóng viên rằng ba nước "kề vai sát cánh" trong vấn đề Triều Tiên. Cuộc họp cũng thảo luận về tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan. Bắc Kinh đã chỉ trích bình luận này như nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của họ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori và Thứ trưởng Ngoại giao Thứ nhất Hàn Quốc Choi Jong-kun cũng nhất trí về tầm quan trọng của hợp tác ba bên, mặc dù tồn tại mâu thuẫn giữa hai đồng minh của Mỹ.
Mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm do những bất đồng về lịch sử thời chiến như vấn đề bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động từ thời Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Những căng thẳng mới dấy lên do Tokyo lên kế hoạch xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.
Hàn Quốc và Nhật Bản đã thảo luận về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo bên lề Olympic Tokyo nhằm cải thiện mối quan hệ. Tuy nhiên, nỗ lực này trở nên vô vọng sau khi phó đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Hirohisa Soma đưa ra bình luận khiếm nhã về Tổng thống Moon Jae-in. Cuối cùng, ông Moon đã hủy kế hoạch dự Olympic Tokyo.
Mặc dù Sherman không đề cập đến những diễn biến này, bà đã thúc giục cả hai bên cùng hợp tác về "các ưu tiên chung của khu vực và quốc tế", phản ánh nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden là thu hút sự ủng hộ của các đồng minh để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Jay Maniyar, chuyên gia về Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tại Quỹ Hàng hải Quốc gia ở Ấn Độ, cho rằng nếu Tokyo và Seoul thực sự ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington, hai nước phải nhận ra họ cần hàn gắn mối quan hệ song phương.
Các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở châu Á là điều đáng lo ngại cho chính quyền Biden, nhưng họ chỉ ra rằng việc mong đợi Nhật và Hàn Quốc đồng lòng trong cách tiếp cận với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực là điều không thực tế.
"Không có sự đồng thuận nào giữa ba nước về vấn đề này", Tomoo Kikuchi, phó giáo sư tại Đại học Waseda, Nhật Bản, cho biết. "Đặc biệt, tinh thần dân tộc ở hai quốc gia là trở ngại chính ngăn cản hai nước phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn", Kikuchi nói, ám chỉ tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về quần đảo Takeshima/Dokdo.
Kikuchi cho biết ba nước có thể thúc đẩy liên lạc và chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến an ninh. Nhưng ông chỉ ra rằng việc có một mặt trận thống nhất cũng sẽ có tác động phụ, vì "nó sẽ làm leo thang căng thẳng hiện tại trong an ninh khu vực".
Paul J. Smith, giáo sư tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, bình luận cách để cải thiện quan hệ bộ ba Mỹ - Hàn - Nhật là tham gia nhiều hơn vào các cuộc trận trận hoặc trao đổi quân sự ba bên. "Mối quan hệ quân sự của hai nước với Mỹ là con đường để hai bên trao đổi và thấu hiểu lẫn nhau", ông nói.
Xiaoyu Pu, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nevada ở Mỹ, cho rằng Washington chỉ có khả năng hạn chế trong việc tác động để hai đồng minh hàn gắn mối quan hệ rạn nứt. "Các vấn đề gây căng thẳng giữa họ rất nhạy cảm về mặt chính trị và tinh thần dân tộc ở Hàn Quốc và Nhật Bản", Pu nói.
Có lẽ vấn đề cấp bách hơn đối với Washington là quan điểm của Seoul đối với Bắc Kinh. Một số nhà phân tích mô tả Hàn Quốc là mắt xích yếu nhất trong mối quan hệ ba bên giữa Mỹ với hai đồng minh châu Á. Seoul chần chừ tham gia Bộ Tứ, liên minh an ninh bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Không giống Nhật Bản, nước bày tỏ quan ngại về vấn đề Tân Cương và Hong Kong, Hàn Quốc đã kiềm chế không làm vậy, với lý do "mối quan hệ đặc biệt" với Trung Quốc.
Ngoài những bất ổn về cạnh tranh Mỹ - Trung, Seoul được cho là không muốn tham gia Bộ Tứ do lo ngại Trung Quốc có biện pháp trả đũa về kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
Bắc Kinh cho thấy họ hiểu rõ những lập trường khác nhau này. Hồi giữa tuần trước, Trung Quốc cáo buộc Mỹ và Nhật Bản cố tình kích động một cuộc đối đầu theo nhóm và cố gắng tạo ra một "vòng vây" chống Trung Quốc, nhưng họ không nêu tên Hàn Quốc.
"Mỹ và Nhật Bản nên ngay lập tức ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói. "Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình".
Zheng Jiyong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói hồi tháng 5 rằng chiến lược châu Á của Washington có thiếu sót là không tính đến vấn đề lợi ích của Hàn Quốc, như việc Seoul phải dựa vào Bắc Kinh để giúp thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ.
Về vấn đề Triều Tiên, không giống những người tiền nhiệm, kể từ năm 2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tích cực thúc đẩy kết nối liên Triều và nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ hoặc giảm lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Khi ông Moon gặp bà Sherman ở Seoul cuối tuần trước, ông nói rằng ông đã yêu cầu Mỹ tái kết nối với Triều Tiên sau khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ. Sherman cho biết bà cũng sẽ thảo luận vấn đề này với Trung Quốc, đồng minh quan trọng của Bình Nhưỡng, khi bà thăm nước này từ 26/7.
Kikuchi đánh giá Seoul sẽ không tham gia bất kỳ nỗ lực nào khiến Trung Quốc tức giận. Pu chỉ ra rằng chính quyền Moon hiện không có "tranh chấp lãnh thổ, lịch sử nghiêm trọng với Trung Quốc", đồng thời nói thêm rằng Hàn Quốc cũng phải tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc để xử lý thách thức từ Triều Tiên.
"Dựa trên những tính toán này, rõ ràng Hàn Quốc ngần ngại đối đầu với Trung Quốc hơn", Pu nói.
Phương Vũ (Theo SCMP)