Anthony Tan chia sẻ điều này với nhân viên của Grab trong một cuộc họp chung, theo The Jakarta Post.
"Có nhiều đồn đoán về một thỏa thuận với Gojek. Tôi có thể nói rằng nền tảng kinh doanh của chúng tôi đang tốt và hoàn toàn có cơ hội để thâu tóm một doanh nghiệp khác", Tan nói.
Song người đứng đầu hãng gọi xe có trụ sở tại Singapore không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào về mức độ thành công trong thỏa thuận với Gojek. "Sẽ có những tin đồn trái chiều, đừng để điều đó làm mọi người phân tâm", Tan nhấn mạnh.
Một tài xế của Gojek. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Vài năm qua, các nhà đầu tư lớn của 2 công ty được cho là ủng hộ việc sáp nhập. Trước đó, truyền thông Đông Nam Á liên tục đưa tin về việc Grab và đối thủ Gojek đến từ Indonesia đạt được những bước đi lớn tại các cuộc đàm phán để hợp nhất 2 nền tảng gọi xe.
Grab đi lên từ một ứng dụng gọi xe công nghệ và trở thành siêu kỳ lân (startup trị giá trên 10 tỷ USD) ở Đông Nam Á, hoạt động trong các lĩnh vực từ gọi xe, giao đồ ăn tới bảo hiểm,...
"Ngay cả trong một năm khó khăn như năm 2020, chúng ta vẫn có lãi khi trừ các chi phí và hiện phục hồi 100%", ông Tan nói và tiết lộ thêm rằng nếu tính theo doanh thu, Grab đang là công ty giao đồ ăn hàng đầu tại Indonesia, quê hương của Gojek.
Covid-19 là cuộc khủng hoảng đầu tiên mà những startup tại Đông Nam Á như Grab hay Gojek gặp phải. Không có thống kê chính xác nào về mức độ thiệt hại nhưng mảng gọi xe tê liệt tạo ra nhiều thay đổi trong hoạt động của hai công ty này.
Đây là hai startup có giá trị nhất khu vực, trong đó Grab được định giá 15 tỷ USD và Gojek là 10 tỷ USD.
Thành Dương (theo The Jakarta Post)