New York là một thành phố của những bí mật nhưng người đàn ông tự xưng là Mr. Apology đã biết hơn 100.000 hành vi tội lỗi, nhờ "Đường dây xin lỗi" của mình.

Thứ tư, 17/2/2021, 11:29 (GMT+7)

MỹNew York là một thành phố của những bí mật nhưng người đàn ông tự xưng là Mr. Apology đã biết hơn 100.000 hành vi tội lỗi, nhờ "Đường dây xin lỗi" của mình.

Mr. Apology (Ngài xin lỗi) tên thật là Allan Bridge, một họa sĩ đầy tham vọng, từng có vài triển lãm tranh. Khi chuyển từ Washington DC, đến New York năm 1977, ông kiếm sống bằng nghề mộc và cả trộm cắp vặt. Cảm giác tội lỗi giày vò Allan Bridge.

Năm 1980, ông dán tờ rơi khắp Manhattan, kêu gọi mọi người gọi đến đường dây bí mật để "xin lỗi vì những sai lầm họ từng gây ra". Ông mong muốn đây là cách để mọi người có cơ hội loại bỏ cảm giác tội lỗi và nỗi đau vì hành vi sai trái của mình.

Brigde cũng lên kế hoạch biến những cuộc gọi được thu âm thành một phần của dự án nghệ thuật, nhằm đưa đến một cái nhìn sắc nét về những những "tâm trí rắc rối nhất" của New York.

 Daily Mirror.

Allan Brigde và vợ khi còn trẻ. Ảnh: Daily Mirror.

Đường dây điện thoại kết nối với máy trả lời tự động trong căn gác xép ở West Chelsea. Người muốn thổ lộ được hướng dẫn gọi từ điện thoại công cộng để không bị truy tìm và không cung cấp thông tin cá nhân. Các tờ quảng cáo nói rõ, không có liên kết nào với cảnh sát, chính phủ hoặc tổ chức tôn giáo.

Điện thoại đổ chuông ngay lập tức. Trong vòng vài năm, nó đã nhận được 100 cuộc gọi mỗi ngày. Ban đầu, người ta nói về việc chứng kiến những vụ giết người. Khoảng năm 1983, có người thú nhận đã cướp, giết người, lây nhiễm HIV cho bạn tình và một người con trai thừa nhận giết mẹ...

Một lần, cảnh sát liên lạc với Allan Brigde để biết thông tin về lời thú nhận của một người đàn ông thừa nhận đã đánh và cướp tài sản của những người đồng tính nam. Cảnh sát cho hay, một người đã gọi đến "Đường dây xin lỗi" và mô tả tội ác giống với vụ án mà họ đang điều tra.

 Daily Mirror.

Căn phòng nơi Bridge vận hành Đường dây xin lỗi. Ảnh: Daily Mirror.

Nhưng Bridge từ chối. Ông chỉ cho phép phát sóng cuộc phỏng vấn trên một chương trình radio để nhà chức trách có thể nghe. Thỉnh thoảng, Brigde buộc phải nhấc điện thoại trả lời những người muốn tự vẫn. Các cựu chiến binh thường kể chi tiết về "những điều thực sự khủng khiếp" mà nhiệm vụ buộc họ phải làm.

Cũng có người gọi đến dọa giết Bridge vì điều khiển đường dây. Marissa Bridge, 64 tuổi, người vợ kết hôn với ông năm 1984 cho biết, "những cuộc gọi này là gánh nặng". "Anh ấy không kiếm tiền từ đó. Vì vậy, anh phải tự nuôi mình bằng nghề mộc. Trong nhiều năm, điều đó chắc chắn đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng tôi", bà nói.

Vào đầu những năm 1990, "Đường dây xin lỗi" đã chiếm trọn cuộc sống của Brigde. Bà Marissa nhớ chồng mình ngủ ít, chỉ dành chút thời gian cho nghề mộc để kiếm sống. Ông cũng bắt đầu mệt mỏi khi những kẻ phạm tội tìm đến đường dây của mình không phải để hối cải. Một số họ nói như thể đang khoe khoang.

 NY Post.

Allan Bridge thiết lập một đường dây điện thoại - được quảng cáo qua tờ rơi ở trung tâm thành phố - nơi mọi người gọi điện xin lỗi vì hành động sai trái. Ảnh: NY Post.

Trong khi giấc mộng "chữa lành" những con người sai trái tan vỡ, Allan Brigde lại bị cô lập bởi bạn bè đều xa lánh ông. "Thật khó để làm bạn với Mr. Apology. Anh ấy dành mỗi ngày để nghe tội lỗi từ toàn nhân loại", Marissa than thở.

Ở tuổi 50, Allan Brigde qua đời vì tai nạn mô tô nước. Tuy nhiên, người gây tai nạn không bao giờ bị bắt.

"Nếu được nói, có lẽ Allan Brigde sẽ bảo người gây tai nạn xin lỗi. Anh ấy muốn người đó buông bỏ và không mang theo cảm giác tội lỗi. Xin lỗi là giải thoát nỗi đau", người vợ nói.

Hôm 16/2, bà Marissa đã đăng tải toàn bộ những lời thú tội gọi đến "Đường dây xin lỗi" lên podcast với cái tên "The Apology Line".

Nhật Minh (Theo Mirror/NYP)


Bình luận