Thứ tư, 28/7/2021, 11:26 (GMT+7)
Nghe lời bố "còn khỏe là còn giúp mọi người", Ngọc Minh tham gia hỗ trợ nhân viên y tế tại điểm tiêm vaccine Covid-19 ở quận 1, TP HCM.
Nhiều ngày qua, Đinh Châu Ngọc Minh (trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP HCM) cùng bố, anh Đinh Khắc Hùng, tham gia hỗ trợ nhân viên y tế tại điểm tiêm vaccine. Nhà ở quận Bình Thạnh, điểm tiêm ở quận 1 cách nhà 10 km nên bố con Minh phải đi từ 6h để chuẩn bị trước khi đón người dân tới.
Minh vừa biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi xong học bổng của Đại học FPT. Điểm thi tốt nghiệp ba môn khối D của Minh là 24,85 điểm. Ngoài ra, em còn được cộng thêm 4 điểm ưu tiên vì giải nhất và giải nhì Khoa học Kỹ thuật cấp thành phố năm lớp 11 và 12.
Trước kỳ thi, Minh trúng tuyển Đại học Kinh tế TP HCM bằng phương thức xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, nữ sinh vẫn muốn thử sức và tìm kiếm cơ hội học bổng ở ngành thiết kế mỹ thuật số yêu thích của Đại học FPT.
Hoàn thành các kỳ thi, Minh yên tâm xin bố tham gia. "Hiện tại rảnh rỗi nên thay vì để thời gian trôi qua lãng phí, em ra ngoài làm công việc có ích, giúp đỡ mọi người. Em cũng sợ nhưng được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, thực hiện đúng 5K và nắm chắc quy tắc an toàn nên yên tâm", Minh nói.
Trước đó, em được bố hướng dẫn cách mặc, cởi đồ bảo hộ, cách khử khuẩn và giao tiếp sao cho an toàn. Ở địa phương, bố mẹ Minh là những tình nguyện viên tích cực trong việc phòng chống dịch.
Mẹ em là tổ trưởng tổ dân phố, đi xin rau củ về và phân phối cho bà con trong vùng, hỗ trợ truy vết. Trong khi đó, bố em giúp đỡ nhân viên y tế tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm, huy động đóng góp để chuyển đến các bệnh viện dã chiến, bà con nghèo ở quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn.
Hàng ngày được nghe bố mẹ chia sẻ câu chuyện chống dịch, được xem những hình ảnh về các tình nguyện viên, khu cách ly và y bác sĩ, Minh cũng mong muốn đóng góp sức mình.
Hôm đầu tiên theo bố đi làm, em khá hồi hộp. Sau khi mặc đồ bảo hộ, Minh vào vị trí, làm nhiệm vụ đối chiếu danh sách, nhập liệu thông tin người tiêm phòng vaccine Covid-19. Công việc bắt đầu từ 7h30 tới khoảng 12h, sau đó nghỉ tới 13h rồi tiếp tục.
Ban đầu Minh hơi cuống vì còn lạ việc, nhưng sau đó được giúp đỡ, em đã thao tác nhanh hơn. "Công việc tương đối nhẹ nhàng nên em không cảm thấy mệt mỏi. Hơn nữa, lực lượng ở điểm tiêm rất thiếu nên em càng muốn tham gia những ngày tiếp theo", Minh nói, cho biết công việc này giúp em học được kỹ năng về excel và cách tương tác với mọi người.
Theo anh Hùng, con gái muốn xung phong tình nguyện từ lâu nhưng thời gian học và thi không cho phép. Biết con có ý định, vợ chồng anh Hùng ủng hộ, nhưng với điều kiện phải thi xong. Cậu con út của anh cũng muốn đi cùng gia đình nhưng mới học lớp 9 nên không được chấp nhận.
Mấy hôm nay, anh Hùng có thêm người đồng hành trên cung đường tình nguyện. Tại điểm tiêm, anh làm công việc điều phối, hướng dẫn và đo thân nhiệt cho người dân. Thỉnh thoảng quan sát Minh, thấy con bắt nhịp công việc nhanh, bản lĩnh và trưởng thành hơn, anh cảm thấy tự hào.
Nhiều người nói anh can đảm khi để con vào nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng anh Hùng cho rằng "ai cũng sợ chết thì ai đi chống dịch?". Anh Hùng từng là bộ đội, sống kỷ luật và muốn hướng các con tự lập, thích nghi được với môi trường sống khó khăn nhất.
Anh tâm sự, gia đình may mắn có sức khỏe, hơn những người sống ở khu vực cách ly, phong tỏa đang bị hạn chế điều kiện sống. Hơn nữa, công việc công ty có thể điều hành được từ xa nên anh yên tâm đi tình nguyện. Việc đồng ý cho con đi hỗ trợ chống dịch cũng là một cách tri ân xã hội.
"Tôi thường nhắc nhở các con, mình vẫn may mắn hơn nhiều người. Hàng ngày các con được mở tủ lạnh đầy đồ ăn, nằm phòng máy lạnh, trong khi biết bao người phải sống vất vả, giành giật sự sống. Thế nên còn khỏe là còn phải đi để hỗ trợ mọi người", anh Hùng, 50 tuổi, nói.
Cũng lường trước được nguy hiểm nên anh Hùng luôn đảm bảo an toàn tối đa cho bản thân và người nhà. Anh đặt ra các kịch bản, hỏi han bạn bè ở khu phong tỏa, chuẩn bị sẵn hành lý để góc phòng, phòng trường hợp gia đình được yêu cầu đến khu cách ly là lên đường.
Bình Minh