Theo chân nhiếp ảnh gia Trần Thủ An ghi lại nhịp sống yên bình và đầy sắc màu Tết tại Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ.

Theo chân nhiếp ảnh gia Trần Thủ An ghi lại nhịp sống yên bình và đầy sắc màu Tết tại Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ.

Bộ ảnh “Hương sắc miền Tây” do nhiếp ảnh gia trẻ Trần Thủ An (sinh năm 1993, quê ở Kiên Giang) thực hiện trong những chuyến rong ruổi khám phá nhịp sống đời thường và ngày Tết tại Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ. Thủ An từng đạt huy chương vàng Liên hoan ảnh Nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 34, năm 2019 do Hậu Giang tổ chức.

Trên ảnh là quang cảnh nhộn nhịp và những chiếc dù che nhiều sắc màu ở chợ trung tâm thành phố Sóc Trăng. Chợ hoạt động từ sáng sớm tới chiều muộn với đầy đủ các mặt hàng từ đồ tươi sống tới vải vóc, trái cây, đồ gia dụng.

Nắng yên bình trên con đường quê chạy qua những vườn cau và chuối tại thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Chợ quê Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Chợ nơi đâu cũng có, nhưng chợ quê ở Vị Thanh có nét đặc biệt riêng vì nằm giữa lòng thành phố và gần Tết thì không khí mua bán càng nhộn nhịp hơn.

Ở đây người dân ngồi bán theo một địa điểm cố định có diện tích từ 2-4m2. Họ ngồi xổm hoặc ngồi trên ghế thấp, xung quanh bố trí các mặt hàng cần bán, vị trí các người bán cứ nối tiếp thành một hàng dài, hàng này nối tiếp hàng kia, chỉ chừa lối đi nhỏ cho người mua.

Thu hoạch khóm Cầu Đúc. Tên gọi khóm (thơm) này xuất phát từ tên của cây cầu đúc bắc ngang sông Cái Lớn nối hai tỉnh Hậu Giang - Kiên Giang được Pháp xây dựng từ những năm 1930. Nay cầu được xây dựng lại có tên là cầu Cái Tư thuộc xã HỏaTiến, thành phố Vị Thanh.

Khóm Cầu Đúc là một trong những cây trồng chủ lực của Hậu Giang, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khóm này vào tháng 11/2020. Khóm Cầu Đúc thu hoạch chính vụ vào tháng 2 - 3 và trái vụ vào tháng 7 - 8 trái vụ hàng năm.

Bà Út bên cơi trầu ngày xuân, với nụ cười móm mém và chiếc răng nhuộm đỏ vì trầu ở xã Hỏa Lựu, Vị Thanh.

Ngày Tết ở quê, trầu cau luôn được đặt ở vị trí trang trọng trên bàn thờ, là lễ vật dùng để thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Vậy nên, ngày Tết nhà nào lựa được quả cau, lá trầu đẹp là thể hiện một năm đầy may mắn và tràn đầy nghĩa tình.

Thủ An chia sẻ, có thời gian rảnh là anh vác ba lô lên vai, khi thì đi một mình hoặc đi cùng bạn có cùng sở thích. Vị Thanh, Hậu Giang là một trong những nơi anh thích chụp ảnh nhất vì gắn bó suốt thời học cấp 3.

Xuân đến trên nẻo đường quê hương luôn rộn ràng, với hình ảnh đám trẻ xem đá gà tại Vị Thanh, Hậu Giang. “Đá gà” là thú vui dân gian vào mỗi dịp Tết đến. Trận “đá gà” miền quê luôn thu hút đông đảo sự chú ý của bà con quanh xóm, thi đấu xong người giành phần thắng sẽ không trao bằng tiền mà sẽ được bên thua đãi một bữa ăn.

Âm vang mùa xuân trong một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại vùng quê Hậu Giang. Ngày Tết hay lễ hội, đám tiệc, nhóm đờn ca tài tử lại tập họp tại để ca hát thỏa thích, quan trọng là giao lưu, chia sẻ nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhộp nhịp chợ nổi Phong Điền, Cần Thơ. Họp chợ là thói quen đã có từ lâu và trở thành một nét văn hóa độc đáo, thú vị của người dân Nam Bộ, trong đó chợ nổi mang nét riêng chỉ miền sông nước mới có. Cận Tết, nhịp sống trên chợ nổi diễn ra tấp nập hơn và không thể thiếu các ghe bán thịt lợn, dưa hấu, các loại hoa, trái cây.

Các ghe thuyền bán dưa hấu Tết trên chợ nổi Phong Điền. Chợ cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 17 km về phía đông nam, thường họp vào 4-5 giờ và đến 7-8 giờ thì tan dần.

Gia đình chị Hai quây quần gói bánh tét ngày Tết tại Phong Điền, Cần Thơ. Bánh tét không đơn thuần chỉ là một món ăn năm mới mà còn là nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết của người Nam Bộ.

Cứ 28, 29 tháng chạp là người dân tất bật chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh như lá chuối, dây lạt, dừa hay nếp, rồi xúm lại gói bánh, nấu bánh chung.

Một bà cụ đang tỉ mỉ dùng dây lạt cột bánh. Ngày nay do điều kiện cuộc sống hiện đại, tất bật nên còn ít nhà gói bánh tét và thường đặt mua ở chợ.

Một cô gái Tây Đô trong trang phục áo bà ba đổ bánh xèo. Món ăn miền Tây có nhân tép, giá, ăn kèm rau cải xanh, xà lách, diếp cá, rau thơm, lát khế chua hay đọt đinh lăng.


Bình luận