MỹVụ đánh bom Phố Wall năm 1920 khiến 38 người chết, là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất New York trong thế kỷ 20, nhưng đến nay vẫn là “tội ác không thủ phạm”.
12h ngày 16/9/1920, một chiếc xe ngựa dừng trước trụ sở của Ngân hàng JP Morgan, toà nhà biểu tượng của chủ nghĩa tư bản nước Mỹ, tại số 23 Phố Wall, thành phố New York.
JP Morgan khi này, không chỉ là ngân hàng kiêm tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới vào thời điểm đó mà còn nằm ngay giữa phố Wall, được xem như khu tài chính sầm uất nhất thế giới, trải dài hơn 800 trong lòng thành phố.
Bên trong chiếc xe ngựa đó có 45 kg thuốc nổ và 230 kg quả cầu đinh sắt. Người lái xe dễ dàng đi qua mà không bị phát hiện giữa sự hối hả và nhộn nhịp của Phố Wall, xuống xe và để chất nổ ở góc đông đúc nhất của Khu tài chính trong giờ ăn trưa.
Một phút sau, một vụ nổ lớn làm rung chuyển con phố. Ba mươi người và con ngựa ngay lập tức thiệt mạng khi sóng xung kích từ quả bom làm xé toạc tất cả thứ trong bán kính 100m. Vụ nổ mạnh đến mức chiếc xe bus chở đầy hành khách cách đó hai dãy nhà cũng bị quật ngã.
Ngoài các thi thể, 8 người đã chết trong quá trình cấp cứu và 143 người bị thương nặng. Cảnh sát điều động bất kỳ chiếc ôtô nào có thể tìm thấy để chở người đến bệnh viện. Tất cả giao dịch trên sàn chứng khoán bị đình chỉ trong ngày.
Vào thời điểm đó, đây được coi là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngay cả bây giờ, sự tàn phá của vụ nổ đó có thể được tìm thấy ngay quanh số 23 Phố Wall, nơi tòa nhà vẫn còn đầy vết tường lở.
Là một trong những vụ khủng bố được biết đến sớm nhất ở Mỹ, nhưng đây không phải vụ đầu tiên tại Mỹ. Mười năm trước, một quả bom khác cũng phát nổ bên ngoài văn phòng của tờ Los Angeles Times. Hai mươi người đã thiệt mạng và tòa nhà bị phá hủy, nhưng ít nhất các điều tra viên đã bắt được thủ phạm. Tuy nhiên, vụ nổ ở Phố Wall lại khác.
Các vụ đánh bom thường nhắm vào các cá nhân hoặc nhân vật công cộng cụ thể, song vụ nổ ở số 23 Phố Wall dường như không có mục tiêu nào khác ngoài khả năng nhằm vào càng nhiều nạn nhân càng tốt. Không ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công Phố Wall.
Các nhà điều tra nghi vấn thủ phạm là một vận động viên quần vợt do đã gửi bưu thiếp cho bạn bè cảnh báo nên tránh khu vực này vào ngày 16/9, nhưng hóa ra người này bị bệnh tâm thần. Cảnh sát cũng cố gắng truy tìm người đánh ngựa liên quan đến vụ tấn công song vô ích.
Có giả thuyết khác cho rằng vụ nổ là một phần của một vụ cướp bất thành tại tòa nhà kho bạc gần đó, nơi các thùng vàng miếng giá trị 900 triệu USD được chuyển cùng ngày hôm đó.
Nhưng không phải ai cũng tin rằng đây là một cuộc tấn công có tính toán. Các đặc vụ của Bộ Tư pháp, tin rằng đó có thể chỉ là một vụ tai nạn. "Nếu một nỗ lực đánh bom chỉ nhằm phá huỷ trụ sở Ngân hàng JP Morgan, tôi tin rằng nó sẽ được thực hiện vào ban đêm", họ phân tích.
Nhưng đây chỉ đơn giản là những phỏng đoán chưa bao giờ dẫn đến bất kỳ kết luận chính thức nào. Hơn nữa, trong thời gian gấp rút mở lại sàn chứng khoá New York càng nhanh càng tốt, các quan chức thành phố có thể đã vô tình loại bỏ các bằng chứng có thể hỗ trợ cho cuộc điều tra.
Cho đến khi FBI mở lại vụ án vào năm 1944, các nhà chức trách mới kết luận những kẻ vô chính phủ có khả năng đứng sau vụ đánh bom. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất đến gần, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ tin rằng các nhà tư bản, những người đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ những người lao động không được bảo vệ của họ trong thời chiến, cần phải bị xóa bỏ để mang lại bình đẳng cho xã hội.
Điều tra viên nhanh chóng tập trung vào các nhóm cực đoan chống lại các tổ chức tài chính, chính phủ. Khi các cuộc biểu tình đơn giản là không đủ, những kẻ cực đoan này sẽ dùng đến biện pháp tàn nhẫn để được lắng nghe. Tuy nhiên, các cuộc điều tra không đưa ra được bằng chứng chắc chắn nào về việc này.
Một số nhà sử học cho rằng kẻ đánh bom có khả năng là Mario Buda, kẻ vô chính phủ đã gây ra một số vụ đánh bom tương tự trên khắp đất nước.
Hỗ trợ thêm cho giả thuyết này là một thực tế, vài ngày trước đó, Buda đã thuê chính chiếc xe ngựa được sử dụng trong vụ đánh bom Phố Wall. Hắn cũng ở New York vào thời điểm này nhưng ngay sau vụ đánh bom, Buda rời đến Italy và không bao giờ quay trở lại Mỹ.
Trong những thập kỷ tiếp theo, một số người biết anh ta đã khai rằng anh ta đã thừa nhận vụ tấn công. Nhưng những tuyên bố này vẫn là tin đồn. Đó là lý do tại sao, cho đến ngày nay, thủ phạm đứng sau vụ đánh bom Phố Wall vẫn là ẩn số.
Bất chấp điều này, qua những thăng trầm của Thế chiến 2, phố Wall vẫn là trung tâm thương mại mang tính biểu tượng. Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), ngày nay, là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới với giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán hơn 25.000 tỷ USD, tính đến tháng 5 năm 2020.
Hải Thư (Theo NYT, CBS, Allthatinteresting)