Kế thừa “gia sản” của mẹ, chị em bà Vượng (53 tuổi) vẫn đều đặn mỗi ngày phục vụ những thực khách xa, gần.
6 loại chả trong một tô bún mọc
Tôi dậy sớm tìm tới quán bún mọc Bà Chiều, quá quen thuộc với nhiều người sống ở khu Bắc Hải (Q.Tân Bình, TP.HCM). Trong không gian quán tương đối rộng rãi gồm 1 trệt và 1 lầu, có thời điểm khách ngồi ăn kín bàn bên dưới.
Tầng trệt của căn nhà, 2 bên khách vẫn đang ngồi ăn. Bà chủ thì chừa một lối đi ở giữa tương đối rộng để khách tới ăn chạy xe thẳng vào trong tới cuối nhà rồi gửi ở đó, thay vì gửi xe phía trước như nhiều quán ăn khác.
Khách “ruột" ở đây thì dường như cũng đã quá quen với cảnh này. “Gửi xe vậy chắc ăn luôn, khỏi lo mất xe. Đã gửi xe trong nhà rồi mà còn có người trông giùm nữa thì mất thế nào được, thoải mái mà ăn", một vị khách cười, nói vui rằng đây là quán mà anh… yên tâm nhất khi ăn ở TP.HCM.
Khách nhộn nhịp từng lượt đến rồi đi, 3 chị em của bà Vượng cùng con cháu, nhân viên trong quán mỗi người một việc, tất bật phục vụ khách ăn tại chỗ, khách mua mang đi và cả những đơn hàng giao tận nơi.
Bà chủ giới thiệu mỗi tô bún mọc ở đây có giá từ 35.000 - 45.000 đồng tùy loại. Điều đặc biệt, quán có tới 6 loại chả khác nhau như chả lụa, chả quế, chả nạc, chả mỡ, giò thủ, mọc viên… Tất cả đều do gia đình bà tự làm, vì bà chủ cho biết trước khi bán bún mọc, cả nhà đã có truyền thống làm chả.
Nếu khách ăn tô đặc biệt 50.000 đồng sẽ có đầy đủ các loại chả luôn. Hoặc khách có thể chọn những loại chả tùy thích, quán luôn chiều khách. Bí quyết của tô bún mọc đều nằm ở những loại chả này và đó là sức hút của quán ăn hơn nửa thế kỷ qua.
Bà Vượng, Chủ quán
Sáng chưa ăn gì, bụng cồn cào, tôi gọi một phần 50.000 đồng để thưởng thức hết các loại chả có trong tô bún mọc. Sự kết hợp của chả với bún, nước lèo đậm đà nóng hổi cùng một chút hành, hẹ, tiêu và cả mắm tôm dậy mùi, hết sẩy để bắt đầu một ngày mới. Về hương vị, tôi chấm cho quán 8.5/10, đáng để ghé ăn khi thèm.
Nặng lòng với “gia tài” của mẹ
Tâm sự với chúng tôi, bà Vượng nói rằng quán ăn này còn hơn tuổi đời của bà. Ngày đó, gia đình có sẵn nghề làm chả, nên mẹ bà quyết định bán bún mọc để nuôi các con. Nói là quán, nhưng mới đầu đó chỉ là một gánh hàng được cụ bà bán dạo khắp cư xá Bắc Hải.
“Hồi mẹ đi bán, các anh chị còn ở nhà trông tôi nữa. Tôi là con thứ 6 trong nhà. Nhờ có quán bún mọc này mà mẹ nuôi 8 anh chị em tôi khôn lớn, trưởng thành, có người nay làm bác sĩ, kỹ sư. Cũng nhờ quán này mà tôi nuôi 3 đứa con khôn lớn. Trân trọng lắm quán ăn của mẹ!”, bà xúc động.
Sau bao thăng trầm, khoảng 10 năm nay quán chuyển về bán ở địa chỉ mới này, là căn nhà của gia đình bà Vượng, cũng trên đường Bắc Hải. Mẹ bà, năm nay đã 88 tuổi, vì sức khỏe yếu nên cũng không còn đứng bán mà ở nhà phụ các con làm chả. Hiện quán do 3 chị em bà Vượng quản lý, con gái đầu của bà Vượng cũng phụ bán.
Bà Đào (50 tuổi, em gái bà Vượng) hồi trước cũng bán với gia đình, sau khi lấy chồng thì chuyển sang nghề khác. Vậy mà cơ duyên làm sao, 1 năm nay bà lại trở về quán ăn xưa của gia đình, phụ chị buôn bán.
Quán ăn của mẹ, gia tài của mẹ, nên các chị em phải giữ gìn và phát huy. Chúng tôi luôn cố gắng để mang tới những tô bún tâm huyết nhất cho khách, để không phụ sự tin tưởng của mẹ và của cả những vị khách ủng hộ suốt mấy chục năm.
Bà Đào
Anh Nhựt (34 tuổi) cũng sống trên đường Bắc Hải này cho biết anh ăn bún mọc ở đây từ hồi còn nhỏ, đi học. Giờ lớn có vợ con, anh còn ăn. Phần vì bún mọc ngon, hợp khẩu vị, phần vì đây là quán ăn thân thuộc gắn bó suốt cả tuổi thơ và tuổi trẻ.
Quán ăn mỗi ngày vẫn đỏ lửa từ 5 giờ 30 phút tới 19 - 20 giờ, mang theo những tâm huyết nấu nướng được truyền từ đời mẹ sang đời con…