Chú Ba khề khà bưng ra tộ lưỡi vịt khìa nước dừa thơm phức. Ai trong bàn cũng chăm chú nhìn vào tộ lưỡi vịt mà không để ý nét mặt đăm chiêu của chú Ba.

Nhìn mọi người liên tục động đũa, chú Ba tằng hắng: “Mấy đứa có biết “lịch sử” món lưỡi vịt này hôn?”. Đến lúc này, mọi người mới ngớ ra, ủa người ta có lịch sử đàng hoàng à nhen.

Chú Ba kể nhà chú nhiều đời nuôi vịt chạy đồng xứ bưng biền miền Tây. Khi chú tầm hơn 10 tuổi một chút, chú đã cùng gia đình chăn cả nghìn con vịt khắp các cánh đồng miệt An Giang, Đồng Tháp. Chú nói, thuở đó người dân còn nghèo lắm, chú quanh năm cùng ba mẹ lội ruộng chăn vịt, nhưng lại thèm thịt vịt vô cùng. Mà con vịt nó khác con gà, con vịt có giá hơn rất nhiều vì hầu như chẳng ai bỏ sót thứ gì của con vịt. Người ta ăn tiết canh vịt chứ chẳng ai ăn tiết canh gà. Tương tự, lưỡi vịt cũng vậy.

Thuở ấy, món lưỡi vịt chưa phổ biến, trừ các quán ăn người Hoa miệt Hà Tiên. Nhiều người dân quê nghèo bắt chước, đi xin lưỡi vịt về chế biến, nhưng không biết cách mần nên lưỡi vịt ăn vào tanh rình. Mãi sau này, khi học hỏi cách thức rồi, các món ăn với lưỡi vịt hiện diện thường xuyên hơn trong các bữa cơm quê nghèo, và cũng bắt đầu từ đó, thương lái không cho lưỡi vịt nữa.

Có nhiều món ăn liên quan đến lưỡi vịt, nhưng theo chú Ba, món lưỡi vịt khìa nước dừa là di sản riêng của người miền Tây. Món này chế biến không khó, nhưng khi thành phẩm thì ăn cơm hay lai rai gì cũng “cháy”.

Chú Ba bảo, lưỡi vịt còn sống phải được gia công lại, cắt bớt những mài “lòng thòng” ngay cuống lưỡi. Sau đó, để khử tanh thì bắt buộc phải ngâm lưỡi vịt với rượu và gừng, chứ nếu dùng gừng không thì không ăn thua. Sau khi ngâm, chà xát và xả nước lạnh, lưỡi vịt đem chiên vàng rồi vớt ra ướp gia vị, để tầm 15 phút cho ngấm. Xong, phi thơm hành tỏi và cho lưỡi vịt đã ướp vào xào chung với nước dừa, rim cho đến khi cạn nước là hoàn thành.

Món lưỡi vịt khìa nước dừa đảm bảo sẽ “đo ván” bất cứ ai bởi vị ngọt ngào, dai dai, đượm vị cay thanh của tiêu, ngũ vị hương, nước dừa rim khô và cảm giác sừn sựt. Món này nhậu thì bén mồi, ăn cơm thì cháy thố.

Chú Ba cười buồn, giờ miền Tây hạn mặn, nghề nuôi vịt chạy đồng teo tóp dần, vịt được nuôi công nghiệp nên chất lượng thịt đã khác, lưỡi vịt cũng to và dày hơn. Lần đó, chú theo con vào nhà hàng trong thành phố, thấy món lưỡi vịt đến hơn trăm nghìn một thố, chú giật mình. Món lưỡi vịt giờ đây có mặt khắp nơi chứ không còn dành riêng cho “người nhà nghèo” như chú xa xưa nữa.


Bình luận